Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giúp trẻ em sử dụng Internet an toàn trong kỳ nghỉ hè

Vào dịp hè, trẻ em có xu hướng sử dụng Internet nhiều hơn. Nếu không có sự giám sát của cha mẹ, trẻ thiếu kỹ năng sống có thể sa đà vào các ứng dụng trò chơi, tiếp cận thông tin không lành mạnh, dễ bị lạm dụng và trở thành nạn nhân của các đối tượng xấu. Phụ huynh nên hướng cho trẻ cách sử dụng Internet an toàn và bổ ích.

Trẻ có thể bị cận thị, loạn thị nếu lạm dụng thiết bị điện tử.

Trẻ có thể bị cận thị, loạn thị nếu lạm dụng thiết bị điện tử.

Trang bị những kỹ năng sống cần thiết cho trẻ

Chị Phương Hoa (Hà Nội) - phụ huynh của một học sinh lớp 6 chia sẻ: “Bé nhà mình sử dụng laptop của mẹ để vừa học, vừa chơi. Vợ chồng mình không thể luôn bên cạnh để kiểm soát con nên lo lắng con có thể vào xem những nội dung độc hại. Nhất là con đang trong độ tuổi cái gì cũng tò mò, chưa biết phân biệt được thông tin tốt - xấu trên mạng xã hội, dễ sa đà vào các trò chơi vô bổ, ảnh hưởng không tốt đến tinh thần và sức khỏe”. Trăn trở của chị Hoa cũng là nỗi niềm chung của đa số phụ huynh  khi không thể kiểm soát việc sử dụng Internet của con trẻ, đặc biệt là trong dịp hè.

Khảo sát của Cục Trẻ em, Bộ LÐ-TB&XH cho thấy, trong quý 3 năm 2022 có 89% trẻ em sử dụng Internet, trong đó 87% sử dụng hàng ngày, thời gian 5-7 tiếng/ngày. Tuy nhiên, chỉ có 36% trẻ em được giáo dục về an toàn mạng.

Cứ 4 trẻ em được hỏi thì có 1 em chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội; 1/3 từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng xã hội. Trẻ em gái bị bắt nạt trên môi trường mạng cao gấp 3 lần trẻ em trai.

Trong những năm gần đây, nhiều vụ việc xảy ra ở các trường phổ thông chủ yếu liên quan đến mạng xã hội, điển hình như bạo lực học đường. Từ việc quen biết trên mạng, lời qua tiếng lại trên thế giới ảo dẫn đến ẩu đả ngoài thế giới thực. Rồi tình trạng sống ảo, a dua, đua đòi và lối sống thiên về hưởng thụ đã xuất hiện nhiều ở giới trẻ, trong đó có rất nhiều học sinh. Nguy hiểm hơn là những hành vi xấu đã và đang ngày càng ăn sâu vào giới trẻ, khiến các em ngày càng lệ thuộc vào thế giới ảo, sống không có định hướng, không mục đích, thậm chí tỏ ra chán đời thực, không tin vào bản thân. Nhiều học sinh còn coi mạng xã hội là phương tiện, là không gian để chống đối lại cha mẹ, thầy cô khi mình mắc lỗi, bị bố mẹ và thầy cô nhắc nhở.

Tuy nhiên, chúng ta không thể cấm trẻ em tham gia vào thế giới số. Do đó, vai trò của phụ huynh không phải là cấm mà là tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận với công nghệ hiện đại nhưng phải có sự giám sát, đồng hành để trẻ tìm hiểu được những lợi ích từ thế giới cũng như có kỹ năng phòng vệ trước những nguy cơ không an toàn. Phụ huynh cần giúp con hiểu rõ hậu quả khi truy cập những ứng dụng, thông tin tiêu cực, không lành mạnh. Từ đó, hướng trẻ nhận thức được tầm quan trọng về việc học các kỹ năng số cần thiết để tự bảo vệ mình trên không gian mạng.

Các hoạt động trải nghiệm, trang bị kỹ năng giúp trẻ em giảm thời gian sử dụng Internet.

Các hoạt động trải nghiệm, trang bị kỹ năng giúp trẻ em giảm thời gian sử dụng Internet.

Cha mẹ giám sát, đồng hành cùng con

Theo TS. Lê Phương Hoa, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Ðại học Sư phạm - Ðại học Thái Nguyên, để bảo vệ trẻ em an toàn trên không gian mạng, trước hết, bố mẹ phải hạn chế sử dụng mạng, dành thời gian chơi cùng con, trò chuyện với con. Ðiều này vừa giảm thiểu thời gian trẻ dùng mạng, vừa tăng cường sợi dây liên kết mẹ - con, bố - con. Cha mẹ có thể cùng con vào mạng, xem các thông tin trên mạng để qua đó có thể hiểu thêm về khuynh hướng tìm kiếm thông tin của trẻ. Nếu thấy con truy cập vào các nội dung có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ thì phải ngăn chặn ngay. Bởi hiện nay, có nhiều video clip rất thu hút trẻ nhưng nội dung của video thường xuất hiện những câu nói thiếu văn hóa, thậm chí chửi bậy. Nếu cha mẹ phó mặc trẻ xem, có thể trẻ sẽ học những câu không hay đó.

Ðặt máy vi tính ở nơi mà cả nhà đều có thể sử dụng chung thay vì trong phòng riêng của con. Nên đặt ra một khoảng thời gian hợp lý để các con có thể sử dụng Internet để học hỏi, làm bài tập và giải trí.

Cha mẹ đừng xem máy vi tính như người bảo mẫu để giao phó con. Cần giúp con ý thức là nếu đang lướt mạng mà gặp nội dung xấu thì không tải xuống, cũng không dừng lại xem. Làm sao để tạo cho con có khả năng biết xác định nội dung phù hợp. Có thể ngăn chặn việc truy cập vào một vài website, chẳng hạn như những website bạo lực hoặc khiêu dâm, nhờ sử dụng phần mềm bộ lọc Internet. Nếu cài đặt phần mềm này, nhớ kiểm tra định kỳ hoạt động và giữ bí mật từ khóa.

Nên giải thích cho con những điều trẻ nên và không nên làm khi sử dụng Internet như: Không nên chia sẻ mật khẩu, họ tên, địa chỉ, số CMND/CCCD hay bất cứ thông tin định danh nào; không gặp gỡ bất kỳ ai trên mạng mà không có sự cho phép và giám sát của cha mẹ; không truy cập vào các trang web lạ; không trả lời người lạ trong thư mục spam, khi họ tỏ vẻ quen biết và cần sự giúp đỡ từ mình; không giấu cha mẹ hoặc giáo viên nếu có chuyện không hay xảy ra trên mạng... Những điều trẻ nên làm là sử dụng Internet để học và làm bài tập trên trường, bởi đây là nguồn thông tin hữu ích; xem phim, video và nghe nhạc phù hợp với độ tuổi; kết nối với bạn bè trong trường.

Tạo không gian vui chơi cho trẻ em trong dịp hè.

Tạo không gian vui chơi cho trẻ em trong dịp hè.

Theo TS, LS Ðặng Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, kiểm soát trẻ em trên mạng không chỉ ở thời điểm học sinh nghỉ hè mà đây là trách nhiệm thường xuyên, liên tục của các phụ huynh. Ðể kiểm soát tốt con, cha mẹ cần phải dành thêm thời gian vào quản lý, giáo dục con cái; lên kế hoạch hè sao cho các con có thời gian vui chơi, kết hợp với học kỹ năng sống và hoạt động thể chất. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục để kiểm soát thời gian cũng như nội dung các con sử dụng Internet sao cho phù hợp. Khi kiểm soát tốt con cái trên môi trường mạng thì sẽ phát huy các mặt tích cực của mạng Internet, hạn chế những tiêu cực.

Trong gia đình cũng không nên lập tài khoản cá nhân trên mạng xã hội cho trẻ em mà chỉ hướng dẫn trẻ sử dụng mạng để tham khảo học tập, tìm hiểu kỹ năng sống… Cha mẹ thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư tình cảm của con, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, hướng dẫn trẻ không chia sẻ, đăng tải những thông tin thể hiện tâm trạng, cảm xúc nhất thời của mình, biết cách báo xấu khi nhận thấy thông tin không chính xác, tránh tham gia bình luận, đồng thời thông báo với cha mẹ, nhà trường và cơ quan chức năng khi thấy có dấu hiệu nguy hại.