Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giúp trẻ tiếp cận thông tin để phát triển toàn diện

“Trẻ em phải được coi là một “chủ thể” đặc biệt trong việc tiếp cận thông tin. Thông tin cung cấp cho trẻ em phải đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu, có thể tiếp cận được và phù hợp với khả năng hiểu biết và độ tuổi của trẻ em”- Đó là ý kiến của LS Nguyễn Hưng Quang tại Diễn đàn về “Các nội dung liên quan đến trẻ em trong dự thảo Luật Tiếp cận thông tin”, do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức vừa qua, tại Hà Nội.

Giải quyết toàn diện

Theo TS. Yoshimi Nishino, Trưởng Chương trình Chính sách xã hội (UNICEF) khi thảo luận về Luật Tiếp cận thông tin, cần tìm cách giải quyết vấn đề về trẻ em một cách toàn diện hơn. Công ước quốc tế về Quyền trẻ em (CRC) xác nhận, trẻ em là những công dân tích cực, có quyền tham gia vào nội dung, vấn đề liên quan đến trẻ em. Thực tế, khái niệm “công dân tích cực” còn chưa được nhiều quốc gia hiểu đúng về bản chất. Kinh nghiệm của UNICEF cho thấy, chỉ khi trẻ em được công nhận là “công dân tích cực” thì tiềm năng của các em mới được thực hiện tối đa.

Hiện nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, mới chỉ có Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có quy định trực tiếp về quyền tiếp cận thông tin của trẻ em. LS Nguyễn Hưng Quang cho rằng, dự thảo Luật trẻ em (mới) đã luật hóa các nguyên tắc về quyền tiếp cận thông tin của trẻ em trong CRC và cũng khá tương đồng với quy định của các quốc gia ASEAN, như nguyên tắc thông tin “phù hợp với sự phát triển của trẻ em” và “vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”. Tuy nhiên, dự thảo Luật không quy định chi tiết các nguyên tắc này. Và vấn đề bảo mật thông tin của trẻ em trong quá trình Nhà nước thực hiện việc cung cấp thông tin là một vấn đề cần đặc biệt lưu ý, nhằm bảo đảm quyền bất khả xâm phạm của trẻ em về “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”.

Các quy tắc quốc tế về bảo vệ Quyền tiếp cận thông tin của trẻ em được ghi nhận trong CRC và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã phê chuẩn từ nhiều thập kỷ trước. Theo đó, trẻ em có quyền tiếp cận thông tin, nhưng quyền tiếp cận của trẻ em nói riêng và quyền tiếp cận thông tin nói chung là một quyền tương đối và có những hạn chế nhất định vì lý do chung của cộng đồng... Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin là một trong những điều kiện cần thiết để bảo đảm sự sống còn của trẻ em, đặc biệt trong các lĩnh vực như phòng chống HIV/AISD, phòng chống nạn mua bán trẻ em.

Cung cấp thông tin dễ hiểu

 Nhìn nhận việc thực hiện quyền thông tin của trẻ em, PGS,TS Nguyễn Ngọc Oanh, Phó Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, cần phải phân tích dưới ba góc độ: Trẻ em là chủ thể tiếp nhận thông tin; trẻ em là nguồn thông tin và trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng của thông tin.

“Hiện nay các thông tin hướng đến trẻ em khá phong phú và đa dạng, các kênh truyền hình, trang báo mạng điện tử cũng hướng tới đối tượng trẻ em bằng nhiều hình thức, định hướng, giáo dục những giá trị văn hóa. Tuy nhiên, lại chưa có sự thống nhất trong việc thực hiện quyền và những nguyên tắc khi thông tin hướng đến trẻ em. Các hình ảnh trẻ em bị khai thác lạm dụng trên truyền thông nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận, đánh vào sự hiếu kỳ... về bản chất, đó chính là sự xâm hại trẻ em trên truyền thông”, PGS,TS Nguyễn Ngọc Oanh lưu ý.

Với cách tiếp cận trẻ em cần phải được coi là một chủ thể đặc biệt trong việc tiếp cận thông tin, LS Nguyễn Hưng Quang đề nghị, dự thảo Luật Tiếp cận thông tin cần phải bổ sung nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận của trẻ em với thông tin cần thiết cho sự sống còn, sự phát triển cũng như khả năng tham gia một cách có ý nghĩa trong xã hội của trẻ em. Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm các thông tin cung cấp cho trẻ em phải đầy đủ, kịp thời, dễ tiếp cận và dễ hiểu với mọi trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Cùng với đó, phải bảo đảm rằng, trẻ em có quyền tiếp cận thông tin một cách trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác. Cha mẹ hay người đại diện hợp pháp khác, nhà trường cơ sở giáo dục và giáo viên có trách nhiệm thúc đẩy, hỗ trợ trẻ em tiếp cận thông tin liên quan.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần bổ sung thêm quy định nghiêm cấm việc cung cấp, sử dụng thông tin vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hay ảnh hưởng tới sự sống còn và sự phát triển của trẻ em. Để bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của trẻ em, thì các nguồn thông tin đến với trẻ em phải bảo đảm phù hợp và hữu ích. Muốn vậy, cần phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc cung cấp thông tin cho trẻ em từ chính các sản phẩm văn hóa, thông tin dành cho các em.