Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, chúng ta từng một lúc đón 3 đoàn làm phim lớn là: “Đông Dương”, “Người tình”, “Điện Biên Phủ”. Nhưng tới giờ, số lượng đoàn phim đến Việt Nam vẫn chưa nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay”, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam thẳng thắn chia sẻ tại tọa đàm “Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới” vừa qua tại Hà Nội.
TS Ngô Phương Lan nêu một ví dụ tiêu biểu cho sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố điện ảnh và du lịch chính là bộ phim “Hoa vàng trên cỏ xanh” (phim do Nhà nước và tư nhân cùng sản xuất).
Về bộ phim từng được xem là “hiện tượng” giúp bối cảnh quay Phú Yên trở thành điểm đến thu hút khách du lịch, TS Ngô Phương Lan cho biết, thời điểm đặt hàng sản xuất bộ phim này, phía Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) đã phải mất 2 - 3 năm khai thông cơ chế, đưa dự án vào thực hiện, còn phía Hãng phim cũng đã cố gắng để làm tốt nhất việc quảng bá du lịch cho địa phương.
Cũng theo TS Ngô Phương Lan, Luật Điện ảnh năm 2022 đã có nhiều quy định mới, nhiều khung pháp lý để tạo ra các cơ chế, tuy nhiên hiện cơ chế và các văn bản về luật thì gần như vẫn chưa có.
Còn về cơ chế tài chính, chúng ta có chính sách giảm thuế, ưu đãi thuế cho nhà làm phim nhưng trong Luật Thuế thì chưa có quy định này, vì thế Bộ VH-TT&DL đã phải nỗ lực phối hợp với Bộ Tài chính để tạo ra các ưu đãi khi các đoàn làm phim đến Việt Nam.
Thái Lan hàng năm thu hút cả trăm đoàn làm phim lớn nhỏ. Trong khi Việt Nam riêng trong năm vừa qua, số lượng đoàn phim quốc tế đến quay đếm chưa hết một bàn tay. Việc chưa có những ưu đãi cụ thể về thuế, chính sách hoàn thuế… sẽ khiến các đoàn phim chọn sang các nước có cảnh tương tự để quay, khiến Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội.
Năm 2017, Cục Điện ảnh từng có gian hàng “Điện ảnh Việt Nam” tại Liên hoan phim Cannes, trong đó quảng bá bối cảnh quay cho Ninh Bình và nhiều nơi khác. Slogan của sự kiện khi đó là “Việt Nam - Điểm đến mới của các bộ phim bom tấn”. Cũng trong năm đó, Cục Điện ảnh đã ký được biên bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Điện ảnh Quốc gia Pháp, tiếc là sau đó mọi việc chưa triển khai được nhiều…
Từ góc độ cơ quan quản lý du lịch địa phương, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình thông tin, khi các điểm du lịch tại địa phương xuất hiện trong phim “Kong: Skull Island” đã thu hút nhiều du khách quốc tế đến Ninh Bình. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: “Đầu tư vào bộ phim, tác phẩm điện ảnh hay phim trường?”.
“Chúng ta cần có chiến lược từ đầu. Chúng tôi mong muốn qua diễn đàn có được chiến lược tổng thể, từ cơ chế chính sách của Trung ương đến địa phương. Việc hỗ trợ tối đa cho các đoàn phim như thế nào, những chính sách giới thiệu, thu hút các đoàn làm phim… cần có chiến lược tổng thể hơn.
“Để đạt thành công hơn nữa trong quảng bá du lịch thông qua điện ảnh, Ninh Bình cần tăng cường phối hợp đồng bộ, hiệu quả, hoạch định chiến lược quảng bá đến các đoàn làm phim mạnh mẽ hơn, từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ chính sách thuế và tài chính cho đoàn làm phim.
Thậm chí, chính quyền có thể chủ động đặt hàng nhà làm phim thực hiện các cảnh quay tại địa phương mình với nội dung phù hợp, “khoe” được những nét đặc sắc của địa phương”, ông Bùi Văn Mạnh đề xuất.
Khẳng định việc quảng bá du lịch Việt Nam thông qua điện ảnh cần đổi mới phương thức, nội dung là nhiệm vụ bắt buộc để nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, vừa qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu cho Bộ VH-TT&DL triển khai một số nội dung quảng bá, trong đó có kết hợp du lịch với hàng không, đường sắt, nông thôn… và bước đầu có kết quả nhất định.
“Điện ảnh là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, phim ảnh là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với hầu hết mọi người. Đặc biệt đối với những quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh phát triển như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc, Anh, Italy… các tác phẩm điện ảnh có sức lan tỏa rất lớn với lượng lớn khán giả ở trong nước, khu vực và thế giới.
Thời gian tới, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẽ có những đổi mới về phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam đối với thị trường quốc tế thông qua lĩnh vực điện ảnh… Chúng ta sẽ giới thiệu tiềm năng của Việt Nam trực tiếp tới họ.
Mặt khác, không chỉ quảng bá tiềm năng Việt Nam trở thành phim trường của thế giới mà còn phải tập trung quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế thông qua các bộ phim quay ở Việt Nam”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói.
Việc quảng bá du lịch qua điện ảnh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, tuy nhiên cần phải có chiến lược lâu dài và bền vững như: Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, ban, ngành địa phương, sự năng động của doanh nghiệp, của ngành điện ảnh và người dân để tạo sự thu hút đối với các nhà làm phim trên thế giới.
Duy Linh
Báo Lao động và Xã hội số 112