Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Góc khuất ở một xã nông thôn mới

Để được cấp đất giãn dân, ngoài việc nộp hàng trăm triệu đồng lệ phí mua đất thì mỗi hộ dân phải “tự nguyện” đóng góp thêm số tiền lớn với lý do... ủng hộ xây dựng nông thôn mới. Đó là cách mà chính quyền xã Sơn Vi (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) huy động tiền của dân trong nhiều năm qua. Đáng bàn, số tiền huy động của dân được lãnh đạo xã Sơn Vi sử dụng ra sao, vào việc gì thì không ai được biết.

 

Đằng sau trụ sở hoành tráng của UBND xã Sơn Vi là sự uất ức không nhỏ của bộ phận nhân dân trong việc đóng góp xây dựng nông thôn mới.

 Tự nguyện hay ép buộc?
Là xã của huyện Lâm Thao được lựa chọn xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015 nên UBND xã Sơn Vi đã huy động nhiều nguồn lực để thực hiện các tiêu chí. Sau nhiều cố gắng, đầu năm 2015, xã Sơn Vi đạt 19/19 tiêu chí được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận chuẩn xã NTM. Bên cạnh niềm vui thì một bộ phận không nhỏ người dân trong xã lại bức xúc vì cách huy động tiền “bất thường” của lãnh đạo xã.
Theo đó, nhiều năm qua, các hộ dân muốn “lọt” vào danh sách được cấp đất làm nhà ở thì ngoài việc nộp tiền mua đất theo giá quy định của địa phương thì đều được lãnh đạo xã Sơn Vi vận động nộp thêm 100 triệu đồng, gồm 60 triệu đồng tiền gọi là “tự nguyện đóng góp xây dựng NTM” và 40 triệu đồng tiền “tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng”.
Trường hợp hộ gia đình anh Triệu Văn Chương ở Khu 10, xã Sơn Vi là một ví dụ. Năm 2014, do quá bức thiết về nhu cầu nhà ở, anh đã đăng ký với xã xin được mua đất giãn dân. Lúc này, lãnh đạo xã vận động anh viết đơn tự nguyện nộp thêm 100 triệu đồng để đóng góp xây dựng NTM. Vậy là, ngoài việc nộp 120 triệu đồng mua 120 m2 đất khu Ao Trại, anh Chương phải nộp thêm cho UBND xã Sơn Vi 60 triệu đồng đóng góp xây dựng NTM và 40 triệu đồng tiền xây dựng cơ sở hạ tầng nơi anh được cấp đất. Mang tiếng là tự nguyện nhưng lòng anh nghẹn đắng. Cũng theo anh Chương, khi làm sổ đỏ, anh phải nộp thêm 4 triệu đồng cho địa chính xã để làm sổ. “Số tiền 100 triệu đồng là xã gợi ý và xã yêu cầu mình phải nộp, chứ làm gì có ai có tiền nhiều thế mà tự nguyện. Nhiều người còn khó khăn, còn phải nhờ cộng đồng hỗ trợ chứ người ta lấy đâu tiền mà ủng hộ như thế...”- anh Chương  lắc đầu ngao ngán.
Để lọt vào danh sách được mua đất giãn dân, anh Nguyễn Ánh Hào (Khu 10) cũng phải “cắn răng” để “tự nguyện” nộp thêm 100 triệu đồng tiền xây dựng NTM. “Tiền ủng hộ NTM xã nói không phải là bắt buộc nhưng thực tế dân của xã Sơn Vi từ trước đến giờ, ai không muốn đóng tiền ủng hộ xây dựng NTM của địa phương thì mất quyền lợi, sẽ không bao giờ được cấp đất giãn dân. Thấp cổ bé họng, xã không cấp cho đành chịu, biết kêu ai. Trong giấy tờ là tự nguyện đóng góp cho nên dù không bắt buộc cũng là bắt buộc. Còn đơn tự nguyện đóng góp tiền xây dựng NTM là do xã làm sẵn rồi, mình nộp tiền là chỉ việc ký vào đơn thôi…”- anh Hào chia sẻ.
Theo anh Hào, cả khu anh ở có 14 hộ dân mua đất giãn dân đều phải nộp thêm 100 đồng với lý do tương tự như anh. “Gia đình tôi khó khăn, 3 con nheo nhóc, không có việc làm ổn định, không có tiền nên phải đi vay khắp nơi để đủ số tiền 100 triệu để ủng hộ NTM. Đến hiện tại gia đình tôi vẫn chưa trả hết nợ, chứ chưa nghĩ đến chuyện làm nhà trên đất được cấp”- anh Nguyễn Ánh Hào thở dài.

Riêng khu Ao Trại, xã Sơn Vi đã có 14 hộ dân mua đất giãn dânphải nộp thêm 100 triệu đồng/hộ tiền ủng hộ xã.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hợi- Bí thư Chi bộ khu 10, xã Sơn Vi cũng xác nhận, xã có quy định là ai được cấp đất thì phải đóng góp tiền xây dựng NTM cho xã. Ai có nhu cầu cấp đất thì phải đóng góp, nếu không đóng góp xã chẳng cấp đất cho. “Thấy nó là không hợp lý, thấy nó đắt đỏ, nhưng xã quy định thế mình không lấy thì không có đất cho con ở. Nếu tôi nói không tự nguyện thì cũng không được. Vì các ông ấy nắm pháp lý, pháp luật rồi. Viết đơn tự nguyện đóng góp 100 triệu mà sót ruột quá. Chúng tôi thấy khoản tiền đó bất cập nhưng cũng không còn cách nào khác. Tự nguyện nhưng là bắt buộc…”- ông Hợi chép miệng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ khu 10, mà các khu dân cư khác của xã Sơn Vi cũng có tình trạng tương tự.
Nhiều người dân xã Sơn Vi cho rằng, cái “lệ” mỗi hộ muốn được cấp đất giãn dân đều phải “tự nguyện” nộp cả trăm triệu đồng tiền ủng hộ xây dựng NTM và xây dựng cơ sở hạ tầng có từ rất nhiều năm qua. Rằng, việc người dân đóng góp xây dựng NTM thì chính quyền xã phải nộp số tiền đó vào ngân sách và kho bạc Nhà nước. Sau khi UBND xã  đầu tư xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng công cộng thì mới làm thủ tục quyết toán theo quy định.
Tuy nhiên, người dân xã Sơn Vi nộp tiền chỉ nhận được duy nhất giấy tờ viết tay, biên nhận. Thậm chí, có trường hợp những cán bộ thu tiền của dân lại không liên quan đến công việc tài chính như ông Bùi Nam Trung- cán bộ địa chính xã đứng ra thu tiền của các ông Bùi Đức Biên, Bùi Đức Cương, Bùi Văn Nga… với tổng số tiền 360 triệu đồng. Bà Bùi Thị Bích Liên là cán bộ văn phòng thu của ông Nguyễn Tiến Thúy, Triệu Hồng Tâm số tiền là 200 triệu đồng...
Theo thống kê của người dân xã Sơn Vi, riêng trong nhiệm kỳ ông Bùi Văn Lâm làm Chủ tịch UBND xã, ông này đã cấp gần 60 lô đất và thu khoản tiền “tự nguyện” của người dân đóng góp lên tới nhiều tỷ đồng; chưa kể khoản thu của những khóa lãnh đạo trước đó.
Sự việc càng khiến người dân bức xúc khi xã cầm tiền rồi mà không  thấy đả động gì tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở các khu đất giãn dân. Thêm vào đó, số tiền mà dân phải nộp ủng hộ xây dựng NTM không ai biết đang nằm ở đâu và xã sử dụng vào việc gì.


Ngoài việc nộp 120 triệu đồng mua 120 mét đất của xã Sơn Vi, anhNguyễn Ánh Hào còn “ngậm đắng, nuốt cay” nộp thêm 100 triệu đồng cho xãđể ủng hộ Nông thôn mới và Xây dựng cơ sở hạ tầng.

Lãnh đạo xã né tránh

Người dân xã Sơn Vi cũng “tố” rằng, lãnh đạo chủ chốt của xã Sơn Vi lợi dụng chức quyền thực hiện những công việc thiếu khách quan khiến dân dân bất bình. Theo người dân phản ánh, ông Nguyễn Xuân Hồng- Bí thư Đảng ủy xã và ông Bùi Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Sơn Vi đã thao túng, xét cấp đất một cách tùy tiện và chỉ đạo những khoản thu vô lý.
Việc xét cấp đất cho người dân làm nhà ở chỉ là dân chủ hình thức bởi những ô đất có vị trí “vàng” đều rơi vào tay người nhà của lãnh đạo xã. Đi đến đâu, người dân cũng kể vanh vách rằng, ông Bùi Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Sơn Vi có con gái là Bùi Thị Huệ, em rể là Bùi Đức Luật, cháu là Bùi Văn Lân, con nuôi Bùi Đức Kha… đều được ưu tiên cấp các lô đất có vị trị đẹp tại khu chợ Sơn Vi, khu 14 vườn Sậu, khu Quán Rùa… Tương tự, ông Nguyễn Xuân Hồng - Bí thư Đảng ủy xã có em vợ là ông Nguyễn Văn Nhượng ở khu 15 được cấp hai lô đất tại chợ Sơn Vi. Ông Bùi Văn Nghị ở khu 14 là em rể của Bí thư Đảng ủy xã được cấp đất ở khu Quán Rùa… ngoài ra, ô đất khác ở vị trí đẹp mang tên người nhà, họ hàng của ông Bí thư.
Đem những phản ánh, bức xúc của người dân xã Sơn Vi gặp chính quyền thì ông Bùi Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Sơn Vi cho rằng “phản ánh sai hết. Tôi bận, các anh xuống đăng ký làm việc với Văn phòng Ủy ban rồi sẽ làm việc sau”. Theo yêu cầu của Chủ tịch xã Sơn Vi chúng tôi đã đăng ký lịch làm việc tại Văn phòng UBND xã Sơn Vi. Sau một thời gian dài không thấy hồi âm lại, chúng tôi nỗ lực liên lạc với ông Bùi Văn Lâm nhưng chỉ nhận được sự im lặng.
Tiếp tục đăng ký làm việc với ông Nguyễn Xuân Hồng - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Vi thì vị lãnh đạo này cũng thẳng thừng khước từ làm việc với phóng viên.
Được biết, sau khi có đơn kiến nghị của công dân xã Sơn Vi, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng - Bộ Công an đã chuyển đơn đề nghị Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao xem xét giải quyết, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, dường như UBND huyện Lâm Thao vào cuộc giải quyết quá chậm chạp khiến nhân dân xã Sơn Vi càng thêm hoài nghi và bức xúc.
Vì sao lãnh đạo xã Sơn Vi lại “né” trả lời báo chí và các khoản thu, chi nêu trên có đúng quy định…? Đề nghị ngành chức năng huyện Lâm Thao và tỉnh  Phú Thọ nhanh chóng xác minh, làm rõ.  

Theo quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất có nêu rõ: Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đều phải nộp lệ phí tối đa không quá 100.000 đồng đối với cá nhân, không quá 500.000 đối với tổ chức. Trường hợp giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất thì áp dụng mức thu tối đa không quá 25.000 đồng/giấy cấp mới; tối đa không quá 20.000 đồng/lần cấp đối với cấp lại, cấp đổi, xác nhận bổ sung vào giấy chứng nhận. Quy định cũng miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn. Thực tế, người dân xã Sơn Vi cho biết, để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) đều phải đóng các khoản phí từ 2 triệu đến 5 triệu đồng.