Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Góc phố bâng khuâng

Sáng tinh mơ khi những bóng đèn đêm vừa vụt tắt, nhường chỗ cho tia nắng ban mai, cũng là lúc tiếng nhạc xập xình phát ra từ chiếc đài cát sét xen lẫn tiếng hô rõ ràng mạch lạc: Một, hai, ba, hít, thở... của các cô, bác, ông bà tập thể dục tại vườn hoa Hàng Đậu. Từng động tác tập rất đều nhau, thư thái, nhẹ nhàng và uyển chuyển được lặp đi lặp lại. Đó là những âm thanh, hình ảnh quen thuộc diễn ra hàng ngày tại một góc phố của Thủ đô.

 

Vườn hoa Hàng Đậu thuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình (TP. Hà Nội) không chỉ là một vườn hoa, mà còn giống như một “lá phổi nhỏ”, một điểm vui chơi và nghỉ ngơi của khu phố cổ.

Trong vườn hoa có đặt tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Tượng đài được ghép từ 34 khối đá, tổng chiều cao 9,7m, nặng hơn 300 tấn. Tượng đài tái hiện hình tượng người chiến sĩ cảm tử quân ôm bom ba càng trong tư thế sẵn sàng lao vào xe tăng địch cùng với người chiến sĩ tự vệ đang chắc tay súng và thiếu nữ Hà Nội đang kêu gọi đồng bào chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” là biểu tượng tôn vinh lòng kiên cường anh dũng hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự ghi dấu chiến công anh hùng của quân dân Thủ đô chiến đấu suốt 60 ngày đêm cầm chân giặc Pháp trong những ngày mùa đông năm 1946.

Một buổi sáng, tôi theo chân các bác tập thể dục tại vườn hoa Hàng Đậu. Sau bài tập, lưng áo thấm ướt, lấy tay quệt vội giọt mồ hôi trên trán, bác Trần Thị Bẩy, gần 90 tuổi, phố Hàng Than bồi hồi nhớ lại: “Quê gốc của tôi ở Hưng Yên, ra Hà Nội khi 12 tuổi. Ngày trước, vườn hoa Hàng Đậu chỉ là một khoảng đất trống để tạo sự thông thoáng mát mẻ cho mấy phố xung quanh có nhiều nhà người Tây ở chứ không được đẹp như bây giờ. Thời kỳ năm 1945, hai bên vườn hoa Hàng Đậu đều là hầm tăng xê để làm nơi trú ẩn bom đạn, rồi tiếng tàu điện chạy leng keng suốt ngày. Khi ấy tôi làm nghề buôn bán nên hàng ngày đều gánh gồng đi qua khu vực vườn hoa, phố Quán Thánh và Phan Đình Phùng, được chứng kiến cảnh người chết vì đói khát cả lớn và bé nằm la liệt. Mỗi buổi sáng lính Pháp đi nhặt xác người chết chất lên xe bò chở sang Gia Lâm để chôn cùng một hố. Nhìn cảnh tượng ấy mà đau lòng lắm con ạ. Dân thì chết dần vì đói, đã vậy lại thường xuyên chạy vào, chạy ra hầm trú ẩn liên tục vì tiếng bom, tiếng súng bủa vây…”.

Theo bác Bẩy, sau khi hết chiến tranh, đất nước yên bình, thời gian thư thả hơn, bác cùng những người khác thường xuyên ra vườn hoa tập thể dục, gọi vườn hoa Hàng Đậu là vườn hoa Vạn Xuân, có ngụ ý để cho con cháu hưởng lộc trời, lộc xuân mãi tươi tốt, mạnh khỏe, học tập tốt, góp phần xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp. Đồng thời cũng là để nhắc nhở thế hệ sau không quên đi lịch sử của dân tộc, những thế hệ cha anh đã đổ bao xương máu vì nền độc lập mới mang lại cuộc sống thanh bình ngày hôm nay… Vì vậy gọi vườn hoa Hàng Đậu, hay vườn hoa Vạn Xuân đều đúng cả, chỉ là cách gọi quen thuộc của mỗi người. 

Đưa mắt về phía bốt Hàng Đậu, ký ức ngày xưa như được đánh thức, bác Bảy kể: “Ngày xưa thì “tiếng hát át tiếng bom”, còn bây giờ lấy tiếng nhạc để thư giãn con à. Thời chiến tranh suốt ngày, đêm chỉ lo tránh bom đạn, rồi tìm kiếm cái ăn cho no bụng, không có thời gian để thể dục thể thao, hay đi dạo quanh phố phường. Bây giờ con cái trưởng thành, cuộc sống đỡ vất vả, những người như các bác mới có thời gian để ý đến sức khỏe của mình. Hàng ngày ra đây đi bộ, tập thể dục rồi chuyện trò với người nọ người kia, đôi lúc ôn lại kỷ niệm về những ngày đất nước bị xâm lăng. Tuổi già là như vậy đấy con. Hiện tại và quá khứ luôn song hành, nhớ nhớ, quên quên. Nhiều hôm đẩy xe cho đứa cháu đi mấy vòng vườn hoa, nhìn cảnh bọn trẻ con nô nức đạp xe, đánh cầu lông rồi nói, cười sảng khoái, trong lòng bác thấy vui lắm”.

Nở nụ cười đôn hậu, bác Bẩy đọc mấy câu thơ: “Xuân về chiến thắng reo ca / Xuân về vui lúa cho già / Vạn xuân thắng lợi đời đời biết ơn”. Mong sao Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện để Thủ đô có được nhiều điểm vui chơi giải trí cho người già và trẻ nhỏ. Cũng là nơi để người già chuyện trò giao lưu, có dịp “trở về” với ký ức; còn trẻ nhỏ sau những buổi học tập căng thẳng ở trường đầu óc được thư giãn để “học mà chơi, chơi mà học”.

Sáng thu trong vắt, cơn gió mùa thu thổi nhẹ. Đằng xa thấp thoáng đôi vợ chồng già đang tập thể dục, một cô gái thôn quê với gánh cốm còn thơm mùi lúa mới và cậu học trò đang háo hức cắp sách đến trường. Bên vỉa hè, tay mấy bác cắt tóc nhẹ nhàng ủi tông đơ, khéo léo đưa từng đường kéo lướt lên mái tóc đen mượt của những vị khách đến sớm nhất.

Một góc khác của vườn hoa, sau khi tập thể dục xong, mấy bác ngồi nghỉ, rồi những câu chuyện khi thì rôm rả, lúc lại trầm lắng: “Thời còn bao cấp, lo ăn không đủ, làm lụng tối mắt tối mũi để nuôi con, đâu còn thời gian để chăm lo cho sức khỏe cũng như được ngồi tụ tập, ôn lại chuyện cũ, mới như thế này”, “Ngày trước mình khổ rồi, giờ con cái trưởng thành, cũng phải dành thời gian cho mình một chút. Mình có khỏe thì con cháu mới được nhờ, các cụ ạ”, “Hàng ngày dắt đứa cháu tha thẩn ra vườn hoa, thấy nó nói, cười và thích thú khi ngắm nghía những tia nước phun cao rồi lại hỏi ông những câu hỏi ngây thơ của trẻ con. Chỉ cần như vậy thôi, tôi thấy hạnh phúc lắm rồi. Thật là biết ơn Cụ Hồ, ơn Đảng đã cho chúng ta, những con dân đất Việt được hưởng cuộc sống ấm no, tự do như ngày hôm nay…”. Tôi hiểu, những ký ức và hiện tại đang đan xen trong suy nghĩ của các bác.

Ảnh trong bài: Một số hình ảnh diễn ra ở vườn hoa Hàng Đậu.

 

Chiều thu. Những sợi nắng óng ánh vẫn còn vương nhẹ trên từng hàng cây, góc phố cũng là lúc bọn trẻ con vui đùa, mấy đứa tranh nhau một trái bóng ngay dưới chân tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Thi thoảng đứa trẻ đang chạy chơi mướt mồ hôi, dừng lại trước tượng đài chắp tay kính cẩn. Những đứa chơi bên cạnh thấy vậy dừng lại nhìn rồi níu tay mẹ đòi giải thích. Phía đài phun nước, lũ trẻ nghịch ngợm lấy tay bịt vòi nước bắn tóe tung, có đứa giơ tay hứng tia nước trong veo cho vào miệng rồi lại xoa lên đầu và cười thích thú. Phía xa, những em bé nhỏ xíu nằm trong nôi được ông bà, bố mẹ đẩy đi chậm rãi, ánh mắt tròn xoe ngơ ngác nhìn mỗi khi có anh chị đùa chạy qua. Thấy vậy, vài người khách nước ngoài đi ngang cũng giơ máy ảnh ra để chụp rồi dừng chân nơi phía tượng đài ngắm nghía...

Giữa cuộc sống hiện đại, một Hà Nội đang thay đổi từng ngày cùng với hình ảnh đông vui, nhộn nhịp, những bước chân chậm rãi, thư thái, nụ cười, câu chuyện của nhiều thế hệ diễn ra nơi vườn hoa - một góc phố của Thủ đô, khiến ai đi qua cũng phải dừng lại. Cũng trong nhịp sống hối hả kia, những người con Thủ đô luôn dành những khoảng lặng để nhớ về một thời chiến tranh hào hùng của dân tộc.

Là người sinh ra trong thời bình, đất nước không còn bom đạn của chiến tranh. Cứ mỗi độ mùa thu tháng Tám về, dù lịch sử và chiến tranh chỉ qua những lời kể và trang sách, nhưng lòng tôi thấy xốn xang khi đường phố của Thủ đô rực rỡ cờ đỏ sao vàng, những cụ già mặc  quân phục chỉnh trang, gắn những huy tấm chương… Tôi thấy một Hà Nội yên bình đến thế!