Tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 30/10, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 và Quyết định 15 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đến nay, về cơ bản đã hỗ trợ đến các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người có công.
Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp và người lao động, quá trình triển khai còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do thủ tục thẩm tra còn chặt chẽ nên việc triển khai chưa đạt yêu cầu đề ra.
Để tháo gỡ, ông Thanh cho biết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 154, Quyết định 32 ngày 19/10/2020 để tháo gỡ một số điều kiện của Nghị quyết 42 và Quyết định 15, trong đó gồm 3 nội dung cơ bản. Báo BizLIVE thông tin.
Thứ nhất, bổ sung người lao động là giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non đến THPT dân lập tư thục…
Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động, đó là giảm điều kiện về doanh thu, khả năng tài chính, chỉ cần doanh thu giảm từ 20% là đủ điều kiện.
Thứ ba, nới đường biên về tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, trước kia là 50% số người lao động, hiện nay là 20%.
"Ngày 19/10, nghị quyết được ban hành thì ngày 20/10, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã có văn bản hướng dẫn đến tất cả các ngân hàng địa phương triển khai việc cho vay. Ngày 23/10, NHCSXH đã tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến đến tất cả chi nhánh, các đại diện quận, huyện, xã về gói cho vay này", Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho hay.
Cũng theo Thứ trưởng Thanh, ngày 27/10, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có Công văn 4237 hướng dẫn về tạm ngừng đóng bảo hiểm hưu trí cho doanh nghiệp, đề nghị các địa phương triển khai Nghị quyết 154 cũng như Quyết định 32. Đồng thời, thông qua các phương tiện truyền thông đã thông tin đến tất cả người dân, doanh nghiệp và người lao động.
“Việc triển khai Nghị quyết này mới bắt đầu từ ngày 23/10, đến nay được 1 tuần, nên các doanh nghiệp hiện đang làm các thủ tục. Điều kiện bây giờ cũng dễ hơn. Trước kia yêu cầu doanh nghiệp phải lấy giấy xác nhận nhưng giờ chỉ yêu cầu doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, tức là doanh nghiệp tự kê khai doanh thu, lập danh sách người lao động, ngân hàng điều tra và cho vay, nên thời gian cho vay rất nhanh. Tôi tin trong tuần tới việc cho vay sẽ được tiến hành”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh.
Một số DN trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tỏ ra phấn khởi vì những quy định mới theo hướng hạ điều kiện sẽ giúp họ dễ tiếp cận gói vay ưu đãi này. Những tiêu chí trước đây như DN gặp khó về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương hoặc đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho NLĐ… được sửa đổi phù hợp thực tế hơn.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, ngay từ khi dịch bùng phát, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã liên tiếp có các văn bản kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó bao gồm cả gói vay 0% lãi suất để DN trả lương cho NLĐ; gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cùng với kiến nghị giảm thuế, phí…
"Chúng tôi đang tìm hiểu quy định mới để giúp DN sớm tiếp cận gói 16.000 tỉ đồng và cả gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cho NLĐ mất việc làm do dịch bệnh. Ngành du lịch đang khôi phục lại thị trường nội địa nhưng thực tế DN còn gặp rất nhiều khó khăn và số nhân viên phải nghỉ việc, nghỉ luân phiên cũng không ít" - lãnh đạo một DN du lịch tại TP HCM nói. Báo Người lao động đưa tin.
Trước đây, khi dịch bệnh bùng phát, rất nhiều DN muốn tiếp cận gói 16.000 tỉ đồng hay gói 62.000 tỉ đồng nhưng điều kiện quá khắt khe, thủ tục phức tạp nên hầu hết chưa tiếp cận được. Đến hết tháng 9 mới chỉ có 1 DN được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đủ điều kiện vay vốn, nhưng sau đó DN này đã tự cân đối nguồn trả lương cho NLĐ nên không còn nhu cầu nữa.