Sáng 15/6, hơn 13.000 thí sinh ở Đà Nẵng chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10, với môn thi đầu tiên là Ngữ văn trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 trên cả nước còn phức tạp.
Sau đây là gợp ý đáp án môn Ngữ văn:
Câu 1.
Câu a. Câu văn: "Cháu cứ xem cho thỏa thích. Cần gì cứ nói, bác sẽ lấy cho." là lời dẫn trực tiếp.
Câu b. Khởi ngữ trong câu là: "Đối với tôi".
Câu c. Cậu bé vui sướng tột độ khi mua được món quà cho anh trai vì cậu bé rất nghèo không có khả năng mua được món quà Giáng sinh cho anh trai mình.
Câu d. Đây là câu hỏi mở, học sinh đưa ra quan điểm của bản thân về nhân vật người cha.
Gợi ý như sau: Nhân vật người cha là người tinh tế, biết trân trọng tình cảm, giúp đỡ người khác một cách tế nhị.
Câu 2.
1. Về hình thức
- Xác định đúng yêu cầu cần nghị luận.
- Là đoạn văn đầy đủ dung lượng.
- Bài làm sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận, không mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, lỗi ngữ pháp.
- Bài làm sáng tạo và giàu cảm xúc.
2. Về nội dung
a. Xác định vấn đề cần nghị luận
Ý nghĩa của sự tế nhị khi giúp đỡ người khác.
b. Triển khai vấn đề
- Giải thích: Tế nhị là sự khéo léo sử dụng những cử chỉ ngôn ngữ trong giao tiếp ứng xử, thể hiện là con người có hiểu biết, có văn hóa.
- Ý nghĩa của sự tế nhị khi giúp đỡ người khác:
+ Sự tế nhị thể hiện sự tôn trọng; giúp cho người nhận được sự giúp đỡ không bị tổn thương, tự ái.
+ Sự tế nhị khi giúp đỡ người khác sẽ gắn kết con người lại với nhau, tạo cảm giác gần gũi, thân mật, giúp cho mọi người trở nên thoải mái, cởi mở hơn trong lời nói và hành động.
+ Sự tế nhị khi giúp đỡ người khác làm cho hành động cho đi có ý nghĩa hơn, lan tỏa những thông điệp có ý nghĩa đến cộng đồng, làm cho xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ…
- Bài học nhận thức và hành động:
+ Luôn cẩn trọng trong từng lời nói, hành động khi làm công việc thiện nguyện.
+ Luôn ghi nhớ: Của cho không bằng cách cho; tránh làm "tổn thương" những người có hoàn cảnh khó khăn...
Câu 3.
Học sinh có thể lựa chọn một trong ba đoạn thơ để phân tích, dưới đây là gợi ý lựa chọn đoạn thơ trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
1. Về hình thức
- Xác định đúng yêu cầu cần nghị luận.
- Bài viết đảm bảo đầy đủ bố cục 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.
- Bài làm sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận, không mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, lỗi ngữ pháp.
- Bài làm sáng tạo và giàu cảm xúc.
2. Về nội dung
a. Xác định vấn đề cần nghị luận
Vẻ đẹp của con người Việt Nam trong 3 khổ thơ cuối trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
b. Triển khai vấn đề
b. 1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Giới thiệu vị trí, nội dung đoạn thơ và vấn đề nghị luận.
b.2. Thân bài
* Tình đồng chí, đồng đội của người lính lái xe Trường Sơn (Khổ 5, 6)
- Hai câu thơ "Những chiếc xe từ trong bom rơi – Đã về đây họp thành tiểu đội" nổi bật với hình ảnh những chiếc xe không kính gan góc vượt qua bom đạn của kẻ thù để về đây họp thành tiểu đội. Chính sự khốc liệt của chiến tranh đã tạo nên những "tiểu đội xe không kính" gắn bó thân thiết.
- Hình ảnh những con đường đi tới có nhiều ý nghĩa. Đó là con đường cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là con đường đi tới chính nghĩa nên họ càng đi, càng có thêm nhiều bạn: "Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới".
- Sau những cung đường nguy hiểm các anh lại gặp nhau trong cái bắt tay độc đáo qua ô cửa kính vỡ: "Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi". Đó là cái bắt tay động viên, cái bắt tay truyền cho nhau cả tâm hồn, tình cảm. Cái bắt tay thoải mái, tự nhiên, ấm lòng thay cho lời quyết thắng.
- Một cách định nghĩa về gia đình rất mới, rất rộng, rất lính, thật tếu táo mà cũng đầy sâu sắc: chung bát, chung đũa, chung nắm cơm, bếp lửa, chung hoàn cảnh khó khăn, chung một con đường, chung một lý tưởng. Đó là gia đình.
- Khi hành quân, các anh chào hỏi động viên qua cảnh ngộ độc đáo. Lúc tới đích các anh nghỉ ngơi trò chuyện nói lời tếu táo để rồi tất cả đã trở thành kỉ niệm ấm lòng, trở thành hành trang để các anh mang theo trên chặng đường đánh Mỹ. Để rồi: "Võng mắc chông chênh … trời xanh thêm". Ý thơ có sự đối lập:
+ Bữa ăn vội vã, giấc ngủ tạm bợ bên đường, đời lính thật gian khổ, đầy chông chênh, nguy hiểm.
+ Tuy nhiên, điệp từ "lại đi" và hình ảnh ẩn dụ "trời xanh thêm" đã khẳng định ý chí chiến đấu, nghị lực vững vàng và tinh thần phơi phới lạc quan của người lính:
• Điệp từ "lại đi" thể hiện hình ảnh đoàn xe không ngừng vươn tới trên con đường giải phóng miền Nam.
• "Trời xanh" là ẩn dụ cho hòa bình, cho tương lai tốt đẹp, là hình ảnh thể hiện niềm tin chiến thắng, là ước nguyện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
* Ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (Khổ 7)
- Hình ảnh chiếc xe không kính được nhắc lại: Nghệ thuật liệt kê kết hợp với điệp ngữ "không có" (3 lần) nhấn mạnh sự trần trụi, biến dạng của những chiếc xe; gợi sự khốc liệt của cuộc chiến.
- Nghệ thuật đối lập giữa cái không và có được khai thác hiệu quả giữa hai phương diện vật chất và tinh thần, vẻ bề ngoài và bên trong xe. Hình ảnh hoán dụ "trái tim" chính là biểu tượng của ý chí, của bầu nhiệt huyết yêu nước nồng nàn, của khát vọng tự do, hòa bình cháy bỏng trong trái tim của người chiến sĩ.
=> Hình ảnh trái tim kết thúc bài thơ đã trở thành nhãn tự, tỏa sáng vẻ đẹp của người lính lái xe Trường Sơn nói riêng và thế hệ trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
c.2. Kết bài: Đánh giá chung.
Gợi ý triển khai vấn đề đối với việc thí sinh lựa chọn đoạn thơ trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá.
1. Về hình thức
- Xác định đúng yêu cầu cần nghị luận.
- Bài viết đảm bảo đầy đủ bố cục 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.
- Bài làm sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận, không mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, lỗi ngữ pháp.
- Bài làm sáng tạo và giàu cảm xúc.
2. Về nội dung
a. Xác định vấn đề cần nghị luận
Vẻ đẹp của con người Việt Nam trong 3 khổ thơ cuối trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá.
b. Triển khai vấn đề
b. 1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Giới thiệu vị trí, nội dung đoạn thơ và vấn đề nghị luận.
b.2. Thân bài
* Tình yêu biển cả của con người (Khổ 5)
- Hai câu đầu: Một lần nữa tiếng hát xuất hiện giữa bao la trời nước:
+ Tiếng hát biểu hiện niềm vui trong lao động, mong ước đánh bắt được thật nhiều cá.
+ Phép nhân hóa "gọi cá vào" thể hiện tình cảm âu yếm, thân thiết với biển khơi và tâm hồn phóng khoáng, bay bổng, tình yêu với biển cả bao la.
+ Vầng trăng được nhân hóa trở nên gần gũi, thân thiết cùng nhịp lao động với con người.
=> Công việc đánh bắt cá vốn nặng nhọc, vất vả đã thành bài ca lao động đầy niềm vui, vừa hùng tráng vừa thơ mộng.
- Hai câu sau: Lời tri ân với biển:
+ Nghệ thuật so sánh và nhân hóa cho thấy biển khơi hào phóng và ân tình như lòng mẹ, ban phát cho con người nguồn cá tôm vô tận, nuôi lớn bao đời, bao thế hệ Việt Nam.
* Nhịp điệu lao động hào hứng, hăng say (Khổ 6)
- Hai câu đầu: Hình ảnh người dân chài:
+ Xuất hiện ở trung tâm của bức tranh, giữa biển trời lồng lộng.
+ Từ "kịp" thể hiện sự khẩn trương, hối hả của người ngư dân kéo lưới với bao hồi hộp mong chờ.
+ Tư thế của người dân được khắc họa với những nét tạo hình gân guốc khỏe khoắn "xoăn tay" gợi hình ảnh những đôi bàn tay kéo lưới nhanh thoăn thoắt mang vẻ đẹp rắn rỏi, khỏe mạnh.
- Hai câu sau: Hình ảnh mẻ cá bội thu:
+ "Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông" gợi khung cảnh thật rực rỡ, tươi đẹp.
+ "Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng" gợi sự nhịp nhàng giữa công việc lao động của con người với sự vận hành của vũ trụ.
=> Những hình ảnh thơ giàu sức gợi khiến ta cảm nhận con người lao động hăng say với tâm hồn lãng mạn.
* Niềm vui, lạc quan của người dân chài
- Công việc của con người nhịp nhàng với sự vận hành của vũ trụ: khi vũ trụ nghỉ ngơi, con người bắt đầu hành trình lao động; khi bình minh hé rạng, con người ca khúc khải hoàn.
- Hình ảnh câu hát được lặp lại xuyên suốt bài thơ nhấn mạnh niềm vui, sự hăng say lao động của con người trước thành quả lao động.
- Sau một đêm lao động căng thẳng, sức lực của người lao động vẫn dồi dào, hào hứng. Họ vẫn chạy đua với mặt trời với thời gian.
- Nghệ thuật nhân hóa kết hợp với phóng đại thể hiện khí thế lao động mạnh mẽ của người lao động. Đoàn thuyền và cả mặt trời cùng tham gia vào cuộc chạy đua để về đích.
- Khi mặt trời nhô lên trên sóng nước xanh lam thật đẹp thật hùng vĩ thì đoàn thuyền đã kịp về đích trước.
- Hình ảnh "Mắt cá huy hoàng…." là một sáng tạo độc đáo. Mắt cá phản chiếu ánh sáng mặt trời tựa như muôn vàn mặt trời nhỏ li ti khiến cho thành quả lao động thêm huy hoàng, rực rỡ.
c. 2. Kết bài: Đánh giá giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ.
Gợi ý triển khai vấn đề đối với việc thí sinh lựa chọn đoạn thơ trong bài thơ Nói với con.
1. Về hình thức
- Xác định đúng yêu cầu cần nghị luận.
- Bài viết đảm bảo đầy đủ bố cục 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.
- Bài làm sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận, không mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, lỗi ngữ pháp.
- Bài làm sáng tạo và giàu cảm xúc.
2. Về nội dung
a. Xác định vấn đề cần nghị luận
Vẻ đẹp của con người Việt Nam qua đoạn thơ trong bài thơ Nói với con.
b. Triển khai vấn đề
b. 1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Giới thiệu vị trí, nội dung đoạn thơ và vấn đề nghị luận.
b.2. Thân bài
* Cha nói với con về sức sống bền bỉ, mãnh liệt của quê hương.
- Nói về sức sống bền bỉ, mãnh liệt của quê hương => nói về người đồng mình
Người đồng mình => cha mẹ, là đồng bào, là những người cùng quê hương. Sự lặp lại nhiều lần cụm từ này => khẳng định phẩm chất của người đồng mình là phẩm chất của quê hương bởi sức sống của quê hương do người đồng mình tạo ra => lời nói mộc mạc, giản dị gợi bao tình yêu thương, sự gần gũi…
- Phẩm chất của người đồng mình cứ hiện dần lên qua lời tâm tình của người cha:
Đó là tấm lòng thủy chung với nơi chôn rau cắt rốn.
"Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói"
Sống tràn đầy niềm vui và lòng lạc quan, tuy cuộc sống còn nhiều vất vả gian khó
"Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc"
=>Bằng những điệp từ, điệp ngữ, cách so sánh cụ thể, kết hợp với kiểu câu ngắn dài khác nhau, lời tâm tình của người cha đã góp phần khẳng định người miền núi tuy cuộc sống hôm nay còn vất vả, khó nhọc, "lên thác xuống ghềnh" nhưng họ vẫn sống mạnh mẽ, khoáng đạt, "như sông như suối", bền bỉ, gắn bó và tha thiết với quê hương.
Mộc mạc, chân chất nhưng có tâm hồn và ý chí lớn:
"Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con"
=> Từ đó người cha muốn dặn dò con:
Lòng thủy chung với quê hương Biết chấp nhận và vượt qua những khó khăn, thử thách bằng ý chí, nghị lực và niềm tin của mình Người đồng mình mộc mạc, dung dị, giàu ý chí và niềm tin. Họ có thể "thô sơ da thịt" - giản dị, mộc mạc nhưng không hề nhỏ bé về tâm hồn và ý chí. Họ biết lo toan và mong ước : "Cao đo nỗi buồn – Xa nuôi chí lớn". Tác giả đã mượn chiều kích của không gian để nói về tâm hồn rộng mở, phóng khoáng, sự bền gan vững chí của người đồng mình. Họ nén nỗi buồn ở lại cho chí lớn vươn xa.
* Người đồng mình yêu quê hương, có mong ước xây dựng quê hương và có lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
- Họ biết tự lực, tự cường xây dựng quê hương, duy trì truyền thống với những tập quán tốt đẹp của người đồng mình.
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục.
- Người đồng mình có ý chí tự lực, tự cường xây dựng quê hương, họ cần mẫn làm thay da đổi thịt quê hương.
- Người đồng mình hun đúc nên những giá trị độc đáo của văn hóa quê hương.
=> Đoạn thơ là lời nhắn nhủ, dặn dò của người cha mong muốn con mình phải tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, hãy lấy từ những tình cảm đó làm hành trang để vững bước trên đường đời.
c.2. Kết bài: Đánh giá giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ.