Tại Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và phòng, ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 đến 15/12 hàng năm trên phạm vi toàn quốc. Từ đó, Vụ Bình đẳng giới đã đề xuất 2 phương án cho chủ đề của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021. Phương án 1: "Chủ động đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thu hẹp khoảng cách giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới" và Phương án 2: "Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới".
Trước đó tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 2/10/2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 -2020, trong đó có nội dung triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 đến 15/12 hàng năm trên phạm vi toàn quốc và giao Bộ LĐ-TB&XH.
Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Lê Khánh Lương cho biết, trong giai đoạn 5 năm 2016 -2020, chúng ta đã triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (gọi tắt là Tháng hành động) với các chủ đề như: "Chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái" vào năm 2016; "Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái" năm 2017; "Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em" năm 2018; "Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em" năm 2019-2020.
Tháng hành động đã tạo thành đợt truyền thông cao điểm, thu hút sự tham gia vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần lan tỏa rộng rãi các hình ảnh, thông điệp, kêu gọi các tầng lớp nhân dân cùng nỗ lực thực hiện bình đẳng giới, chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Thông qua chiến dịch truyền thông hằng năm, các thông điệp hướng tới kêu gọi thực hiện bình đẳng giới, chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã lan tỏa ngày một xa hơn, rộng hơn, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong việc đối diện với các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Đánh giá về 2 chủ đề được đưa ra lấy ý kiến cho Tháng hành động năm 2021, các đại biểu cho rằng các phương án đưa ra đều rất hay, cách tiếp cận mới, phù hợp cách tiếp cận thế giới… Tuy nhiên để thông điệp truyền thông có hiệu quả cần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, bao trùm và thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan, đối tác trong việc hưởng ứng triển khai thực hiện.