GS. Hà Tôn Vinh.
Người ta có thể gọi GS. Hà Tôn Vinh bằng nhiều cách: nhà cố vấn chiến lược, chuyên gia tư vấn quản lý tài chính, doanh nhân, diễn giả, nhà giáo… Và ở vị trí nào, ông cũng khiến người tiếp cận nhận thấy, ý nghĩa lớn lao của cuộc đời không nằm trong các giá trị vật chất thông thường, mà là ở những giá trị văn hóa, tinh thần. Trở về nước, GS. Hà Tôn Vinh nhận giảng dạy tại Khoa Quản trị kinh doanh - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Học làm con người trước tiên
Thưa GS. Hà Tôn Vinh, sau bao năm bôn ba ở nước ngoài, trở về nước, hoài bão lớn nhất của ông là gì?
GS. Hà Tôn Vinh: Dù đi đâu chăng nữa, chúng ta vẫn là người Việt Nam, có bổn phận với chính mình, với thế hệ trẻ tương lai. Càng đi ra ngoài, tôi càng thấy người Việt Nam cần phải học hỏi nhiều hơn, vì vậy thấy mình cần phải đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Khi học được những cái hay của các quốc gia tiên tiến, chúng ta càng có cơ hội để phát triển đất nước. Tôi ra nước ngoài hơn 50 năm và trở về với mong muốn đóng góp cho đất nước mình vươn lên.
Tại sao ông nhận lời giảng dạy ở Đại học Quốc gia với mức lương 1 USD?
Khi về nước, tôi không nghĩ sẽ làm vì tiền. Tôi mong mỏi muốn cống hiến cho Đại học Quốc gia, nhất là Khoa Quản trị kinh doanh của trường. Nhận mức lương 1 hay 2 USD chỉ là hình thức cho đúng với thủ tục hợp đồng, còn việc đóng góp cho đất nước, cho xã hội, cho Đại học Quốc gia là trong khả năng của mình. Đại học Quốc gia đối với tôi rất tốt, cho tôi cơ hội được đóng góp, được chia sẻ kinh nghiệm. Tôi đã dạy được hơn 3.000 doanh nhân Việt Nam, trong đó có nhiều người làm lãnh đạo. Đó là đóng góp quan trọng thứ nhất. Thứ hai là khi được làm việc ở môi trường đó, tôi thấy mình còn có ích cho xã hội, cho đất nước.
Giáo sư có nói rằng, một nguyên nhân chính muốn trở về Việt Nam là bởi nguồn cội, bởi tư tưởng, bởi những lễ nghi đạo đức - giá trị cốt lõi của gia đình Việt?
Chúng ta có lịch sử 4.000 năm văn hiến, đó là nền tảng lớn, quan trọng nhất, vì văn hóa và lịch sử là nền tảng của đất nước. Văn hóa trong đó có tất cả lễ nghĩa là niềm tự hào của dân tộc. Ngoài việc phải học chữ, học công nghệ, chúng ta phải học làm con người trước đã vì đó là nhân bản, là nền tảng. Người Việt Nam chúng trân trọng lễ, nghĩa, trân trọng đức, trọng nhân tài, nhất là tính nhân văn của con người.
GS. Hà Tôn Vinh tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Du học sinh sẽ đem ý tưởng, tư duy, kiến thức khoa học về phát triển đất nước
Đã có nhiều học sinh giỏi ra nước ngoài học tập, ông có e ngại ngày nào đó, những lối sống nước ngoài sẽ ngấm dần dần, các em mất bản sắc Việt Nam?
Các em đi du học, tiếp thu văn hóa nước ngoài, nhưng nếu chúng ta tạo nhiều cơ hội để các em về nước thăm gia đình, tạo nhiều cơ hội cho các em trở về Việt Nam thực tập, thì đó là cơ hội để các em giữ quan hệ với gia đình, giữ truyền thống dân tộc. Tôi nghĩ, dù đi đâu chăng nữa, dù thành đạt ở nước ngoài, các em cũng nên về thăm gia đình, thăm quê hương, cha mẹ; nên tìm cách cho con về thăm quê hương, đất nước. Những chương trình dành cho người Việt Nam ở nước ngoài cũng nên tạo điều kiện cho các em về thăm đất nước, sau này có thể đóng góp cho đất nước.
Ông kỳ vọng gì vào thế hệ trẻ đi du học trở về gây dựng đất nước?
Tôi kỳ vọng rất nhiều vào các em, vì khi đi học ở nước ngoài là các em học được nhiều điều hay. Học được văn hóa, văn minh, nhất là học được công nghệ, học cách ứng xử, tư tưởng, tư duy toàn cầu, nhất là học được cách quản lý tốt. Vì vậy, khi trở về nước, các em sẽ đem theo công nghệ, ý tưởng, tư duy, kiến thức và cách làm việc rất khoa học, chắc chắn sẽ đóng góp được nhiều cho đất nước. Nhà nước nên khuyến khích học sinh ra nước ngoài học. Ngày xưa, chúng ta có phong trào Đông Du, kêu gọi thanh niên sang Nhật Bản học để trở về đóng góp cho đất nước.
Tết là dịp đoàn tụ gia đình
Những năm xa quê hương, ông nhớ những nghi lễ nào nhất về gia đình trong ngày Tết?
Tết là dịp đặc biệt quan trọng nhất trong năm, cả gia đình, bạn bè tụ tập lại để nhìn thấy nhau, để chúc nhau những lời tốt đẹp nhất. Mọi người quan tâm đến nhau, các con cháu nhớ đến ông bà, nhất là nhớ tới những người đã khuất. Ngày Tết, chúng ta chúc cha mẹ, ông bà sống lâu, sống khỏe; chúc bạn bè luôn gắn kết… Tết chính là dịp đoàn tụ gia đình và xây dựng lại văn hóa gia đình.
Là người Việt, nên dù sống ở giữa lòng châu Âu phồn hoa, tôi vẫn rất thiếu thốn không khí đầm ấm của gia đình. Khi trở về quê hương, được trở về với những gì thân thương nhất, tôi thấy rất hạnh phúc.
Xin cảm ơn GS. Hà Tôn Vinh.
Hồng Nga/Tạp chí GĐ&TE