Vợ chồng GS Lê Kim Ngọc và GS Trần Thanh Vân chụp ảnh cùng Tổng thống Pháp.
Luôn dốc hết năng lượng vào khoa học
GS Lê Kim Ngọc sinh năm 1934 ở vùng châu thổ sông Mê Kông. Phần lớn thời gian bà học trung học tại trường Marie Curie, đây như là một bước tiền định đưa bà đến sự nghiệp khoa học. Ở trường, bà đã đạt được rất nhiều giải thưởng xuất sắc, trên cơ sở đó hiệu trưởng nhà trường đã hoàn tất các thủ tục hành chính và tài chính để bà có thể theo đuổi con đường học vấn ở Paris. GS Lê Kim Ngọc đến Pháp vào đầu những năm 1950 và định cư ở đó, nhưng cho đến tận hôm nay, bà vẫn luôn chia sẻ đời mình, cùng với chồng và hai con gái, cho hai đất nước Pháp và Việt Nam.
Tốt nghiệp cử nhân ngành khoa học tự nhiên, đỗ đầu toàn khóa tại Đại học Sorbonne, bà đã chọn lựa chuyên ngành thực vật học để làm luận án tiến sĩ của mình. Danh sách các nghiên cứu khoa học trong sự nghiệp nghiên cứu của bà ở Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp CNRS là vô vàn. Phu quân của bà – GS Trần Thanh Vân, cũng là một nhà khoa học có tên tuổi, nhưng đã phát biểu rằng: Bà có số ấn phẩm gấp 100 lần của ông. Bà đã thực hiện những thành tựu mang tính cách mạng trong khoa học với phương pháp “Lát mỏng tế bào” (Thin cell layer) nổi tiếng của mình và khám phá cho phép hoa lan nở hoa sau một năm tuổi thay vì năm năm.
Sáng lập các chuỗi hội nghị Gặp gỡ khoa học
Không tự bằng lòng với công việc, GS Lê Kim Ngọc còn bận tâm tới việc làm sao để tạo lập một mối liên hệ, chia sẻ các ý tưởng. Bà kể rằng, bà đã muốn pha lẫn niềm vui và tri thức bằng cách tạo lập một khuôn khổ trong đó người tham dự có thể phát biểu một cách thoải mái. Các chuỗi hội nghị “Gặp gỡ Moriond” do bà và chồng thành lập năm 1966 đến nay vẫn là một địa chỉ gặp gỡ của giới khoa học. Hội nghị này quy tụ hằng trăm bài trình bày công bố kết quả khoa học vào tháng ba hàng năm.
Tinh thần của Moriond trước hết là tinh thần của tuổi trẻ. Bà nói rằng những lần gặp gỡ đầu tiên trước sự kiện tháng 5/1968 đã mang một khía cạnh cách mạng bởi vì chính các nhà nghiên cứu trẻ đã trình bày các khám phá của mình trước những bậc đàn anh. Tổng thống Pháp cho biết, ông rất ủng hộ tinh thần vì tuổi trẻ này: nó giúp mở đường cho các thế hệ đi sau tiếp bước, giúp thế hệ trẻ các điều kiện để thành công, để tự tạo con đường đi riêng của mình.
Tổng thống Pháp François Hollande phát biểu của tại buổi lễ trao tặng Huân chương hiệp sĩ Bắc đẩu Bội tinh cho bà Lê Kim Ngọc.
GS Lê Kim Ngọc tiếp tục nối dài tinh thần này khi sáng lập các hội nghị Gặp gỡ Méribel và Gặp gỡ Blois. Với một mục tiêu: mang khám phá khoa học đến với nhiều người hơn bởi vì niềm tin sâu sắc nhất của bà là nếu không có tri thức thì thế giới không thể tiến bộ. Và trong công việc này, bà không bao giờ quên Việt Nam: Năm 1993, bà cùng chồng sáng lập các chuỗi hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam” – nơi trao đổi khoa học và giáo dục giữa Pháp và Việt Nam. Các hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam” thành công đến mức bà đã quyết định cần có một nơi tồn tại thực sự để biến Việt Nam thành một “điểm gặp gỡ” khoa học của vùng: Năm 2013, bà khánh thành Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ở Quy Nhơn, miền Trung Việt Nam. Hàng năm, Trung tâm đón tiếp nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới như Ngô Bảo Châu và Trịnh Xuân Thuận, hay Cédric Vilani - người đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý.
Từ năm 1994, GS Lê Kim Ngọc sáng lập học bổng Gặp gỡ Việt Nam; nhiều bạn trẻ nhận được học bổng đã vào học trường Bách Khoa Pháp. Nhờ sáng kiến của bà, Học bổng Vallet cũng đã hình thành. 15 năm nay, hơn 30.000 học sinh xuất sắc đến từ nhiều vùng khó khăn đã có thể tiếp tục học tập từ học bổng ấy.
Tâm hồn nhân ái đồng điệu với tâm hồn khoa học
GS Lê Kim Ngọc gặp chồng mình năm 1958 khi đi bán những tấm bưu thiếp cho một tổ chức giúp đỡ người Việt Nam. Năm 1970, bà sáng lập Hội “Giúp đỡ trẻ em Việt Nam - Aide à l Enfance du Vietnam” để cứu giúp các trẻ mồ côi trong chiến tranh. Để huy động được quỹ, nhiều đêm bà đi bán bưu thiếp được sáng tác bởi các họa sỹ Việt Nam danh tiếng - 2 đô la mỗi tấm. Năm 1971, một triệu tấm bưu thiếp đã được bán. Và các khu làng mà bà góp công sáng lập đã là nơi trú ẩn yên bình, an ủi và hy vọng của hàng nghìn trẻ em. Hiện nay, bà vẫn tiếp tục công việc nhân đạo này và mong ước ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam có thể thoát khỏi sự nghèo khổ và được đến trường.
GS Lê Kim Ngọc tâm sự: “tiền bạc và danh dự có thể tan như mây như khói, chỉ lòng trắc ẩn và tình yêu thương tha nhân mới có giá trị vĩnh hằng”. Sự nghiệp cuộc đời bà là một minh chứng. Tại Lễ trao Huân chương, Tổng thống Pháp François Hollande xúc động nói: “Vì tấm lòng vượt thời gian của Bà, vì sự xuất sắc trong công việc khoa học và những gì bà mang lại để giúp đỡ người khác, vì sự đóng góp của Bà vào tình hữu nghị giữa nước Pháp và Việt Nam, tôi rất hạnh phúc khi trao tặng Bà, với sự hiện diện của gia đình và người thân của Bà, trên mảnh đất mà Bà đã sinh ra, chiếc Huân chương hiệp sĩ Bắc đẩu Bội tinh này”.
Vợ chồng bà Lê Kim Ngọc hạnh phúc bên đồng nghiệp và gia đình.
V.Nhi/ TC GĐTE