Ảnh minh họa.
PGS Nghiêm Đình Vỳ (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể liên quan đến môn Lịch sử ở THPT có các môn, phân môn, chuyên đề như sau: Lịch sử tự chọn (dành cho học sinh chọn Khoa học xã hội nói chung và ngành lịch sử); phân môn Lịch sử trong Khoa học xã hội (lớp 10, 11) dành cho học sinh chọn các môn Khoa học tự nhiên; và phân môn Lịch sử trong môn Công dân với tổ quốc; cuối cùng là các chuyên đề tự chọn, trong đó có chuyên đề về lịch sử.
"Là người tham gia viết chương trình và sách giáo khoa, tôi nhận thấy nếu đầy đủ cả một môn học, hai phân môn và một chuyên đề như trên thì rất khó xây dựng được chương trình chắc chắn, thiết thực. Sẽ có sự chồng chéo, trùng lặp và phá nát môn lịch sử. Vì lên THPT dự kiến môn Lịch sử sẽ không trùng lặp kiến thức thông sử như THCS, chủ yếu dạy theo chuyên đề, chủ đề. Tôi cho rằng thà ít mà tinh, chỉ cần một môn bắt buộc cho tất cả học sinh và một môn dành cho học sinh lựa chọn môn Lịch sử", PGS Vỳ nói.
Môn Công dân với Tổ quốc trong dự thảo chương trình là môn tích hợp 3 phân môn Đạo đức - Công dân, Lịch sử và Quốc phòng - An ninh. Theo thầy Vỳ, thầy cùng đồng nghiệp được giao nghiên cứu về việc tích hợp, nhưng đã bày tỏ ba phân môn này không thể tích hợp được vì đó là những môn học khác nhau, trên thế giới chưa nước nào làm việc này.
"Hiện bộ phận thường trực đổi mới chương trình, sách giáo khoa đảm nhận việc này. Trong dự thảo ghi chú là một số bang ở Mỹ có tên môn học tương tự là Công dân với chính quyền, nhưng chỉ đọc tên thôi đã thấy sự khác nhau", thầy nói.
Trong dự thảo chương trình, môn Công dân với Tổ quốc thuộc giai đoạn định hướng nghề nghiệp với nội dung chủ yếu là "giáo dục đạo đức, kiến thức pháp luật, giá trị sống, kỹ năng sống, những hiểu biết ban đầu về kinh doanh, quốc phòng và an ninh". Như vậy chỉ có một ít kiến thức lịch sử được tích hợp để giáo dục truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Có ý kiến cho rằng nội dung lịch sử còn được giáo dục tích hợp trong nhiều môn học khác, theo thầy Vỳ, đó là cách hiểu "tích hợp quá rộng". "Học tác phẩm văn học thì phải học hoàn cảnh lịch sử, thực chất của việc này là sử dụng một ít kiến thức lịch sử trong khi dạy văn chứ không phải là tích hợp", thầy nói.
"Trong 25 nước châu Âu thì phần lớn Lịch sử là môn độc lập, bắt buộc, không là phân môn trong môn tích hợp nào. Các nước ở gần chúng ta như Trung Quốc thì bậc THCS (lớp 7 đến lớp 9) môn Sử luôn là bắt buộc. Bậc THPT Lịch sử là môn học chính thống, độc lập trong chương trình. Ở Hàn Quốc, bậc THPT có ba môn Lịch sử Hàn Quốc, Lịch sử Đông Á, Lịch sử thế giới thì Lịch sử Hàn Quốc là môn bắt buộc. Hàn Quốc có 8 công ty xuất bản sách nhưng sắp tới môn Lịch sử sẽ do Chính phủ chủ trì viết sách giáo khoa và xuất bản", thầy Vỳ cho hay.
Thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng khẳng định, dạy lịch sử chính là dạy cho thế hệ trẻ Việt Nam biết làm người, giáo dục cho họ hiểu những phẩm giá và nhân cách của con người Việt Nam, về quá khứ hào hùng của dân tộc và những giá trị của ngày hôm nay. Tại lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định "Sử học là ngành khoa học nền tảng hết sức quan trọng, không chỉ dừng lại ở quá khứ mà từ đó biết cả hiện tại và tương lai, phục vụ trực tiếp sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ tổ quốc".
Theo tướng Trung, hiện nay tình chính trị, an ninh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp. Tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ tài nguyên, xung đột sắc tộc, can thiệp lật đổ, khủng bố... diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực.
"Đối với Việt Nam, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ chủ quyền đang đặt ra ngày càng nặng nề và phức tạp hơn. Nếu chúng ta không có sự giáo dục đúng mức thì nhiều thế hệ người Việt không thể hiểu biết đầy đủ về lịch sử chủ quyền quốc gia. Thế hệ trẻ không có niềm tin dân tộc, không kế thừa được truyền thống dựng nước và giữ nước thì làm sao có thể bảo vệ đất nước một cách chân chính?", Giáo đốc Học viện Quốc phòng đặt câu hỏi.
Vì vậy, ông đề nghị dự thảo chương trình phổ thông tổng thể cần sửa đổi, đưa môn Lịch sử về đúng vị trí của nó, là môn độc lập và bắt buộc trong giáo dục phổ thông.
Còn vấn đề học sinh không thích học Sử, PGS Nghiêm Đình Vỳ phân tích, nhiều người cho rằng do chương trình, sách giáo khoa chưa tốt, do phương pháp chưa đổi mới, giáo viên dạy không hấp dẫn, điều này có thể khắc phục dần. Nguyên nhân chính học sinh học để thi, không thi thì không học. Mặt khác, lớp trẻ hiện nay chạy theo xu thế hiện đại, thực dụng, đồng tiền lên ngôi trong khi khoa học xã hội, đặc biệt là môn Sử ở vị trí thấp kém. GS Phạm Tất Dong từng đề nghị, khi học sinh không chịu học thì môn Sử lại càng phải là môn học bắt buộc.
PGS Vũ Quang Hiển (Khoa Sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho rằng, hiện nay chương trình và sách giáo khoa Sử ở trường phổ thông có phần nặng tính hàn lâm, phương pháp dạy học Sử còn nhiều bất cập, phương thức kiểm tra, đánh giá cũng chưa thật tốt. Đó là những vấn đề cần bàn kỹ sau khi môn Lịch sử được đặt đúng vị trí của nó.
Hiện nay, môn Lịch sử với Tiếng Việt - Văn học, Toán đều được coi là những môn học cơ bản, bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam. Nhưng theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, môn Lịch sử được tích hợp vào các môn khác. Ở lớp 1, 2, 3 là môn "Cuộc sống quanh ta"; lớp 4, 5 là "Tìm hiểu xã hội", THCS là "Khoa học xã hội" và THPT là môn "Công dân với Tổ quốc". |