Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

GS Ngô Bảo Châu: '12,75 điểm đỗ đại học sư phạm là đáng lo ngại'

GS Ngô Bảo Châu và một số chuyên gia phân tích câu chuyện điểm chuẩn ngành sư phạm thấp, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm thu hút người tài cho giáo dục.

 

Sinh viên sư phạm thất vọng vì điểm chuẩn quá thấp

 Nhiều sinh viên sư phạm tâm sự các em rất buồn vì điểm chuẩn vào ngành sư phạm chỉ 9 điểm cho 3 môn thi, hệ cao đẳng:

Điểm chuẩn sư phạm rất thấp đang là vấn đề được quan tâm, đồng thời gây hoang mang trong dư luận.

Các chuyên gia lo lắng việc tuyển sinh sư phạm với điểm chuẩn 12,75 (hệ đại học) hay 9 điểm (cao đẳng) sẽ dẫn đến chất lượng đội ngũ giáo viên thấp, kéo theo đó là nền giáo dục xuống cấp.

Nên có kỳ thi quốc gia sát hạch giáo viên

Trao đổi với Zing.vn về vấn đề này, GS Ngô Bảo Châu khẳng định tình hình lấy điểm đầu vào thấp của một số trường sư phạm như hiện này là điều đáng lo ngại.

GS Châu nhận định sư phạm “rớt giá” phản ánh vị trí xã hội của giáo viên không còn được như xưa. Ngoài ra, thu nhập của người lao động ngành này cũng kém hơn so với các ngành khác dẫn đến việc thí sinh không còn “mặn mà” với nghề giáo.

Trong khi đó, những ngành như công an, quân đội lại hấp dẫn hơn nhiều, dễ dàng thu hút những thí sinh đạt điểm cao.

Điểm đầu vào như vậy khó đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai. GS Ngô Bảo Châu cho rằng để đảm bảo chất lượng giáo dục, nước ta cần có thêm kỳ thi quốc gia nhằm sát hạch giáo viên, cấp chứng chỉ hành nghề tương tự như với bác sĩ, luật sư.

Vị GS nổi tiếng đang giảng dạy ở nước ngoài cho biết thêm tại Pháp, sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm hay tổng hợp đều phải đạt điểm cao trong kỳ thi sát hạch được tổ chức minh bạch mới đủ tiêu chuẩn vào biên chế giáo dục quốc gia.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), cho hay một số quốc gia tổ chức cấp giấy phép hành nghề qua các kỳ sát hạch để đảm bảo tính minh bạch của thị trường lao động. Nước ta chưa thực hiện việc này.

Nhưng để sát hạch, tức siết đầu ra ở thị trường lao động, đầu vào phải tốt, đồng thời các điều kiện đảm bảo chất lượng, cũng như chính sách đãi ngộ tương xứng, nếu không dễ gặp rủi ro.

Dù có tổ chức sát hạch ở đầu ra hay không, trước hết phải tăng cường trách nhiệm giải trình chất lượng đào tạo. Ở đó, tuyển sinh có chất lượng là yếu tố phải tính đến. Nhà nước phải có sự hỗ trợ để thu hút người giỏi vào sư phạm.

Theo TS Vinh, để nâng chất lượng đầu vào, áp sàn thôi chưa đủ vì còn tùy thuộc nhiều yếu tố, bao gồm việc kỳ thi có trung thực không, chất lượng đề thi đến đâu. Các trường sư phạm phải nghiên cứu, tuyển sinh viên với mức điểm nào thì họ có thể đào tạo đạt chuẩn đầu ra mà người sử dụng kỳ vọng trong điều kiện đảm bảo chất lượng như hiện nay và trong thời hạn đào tạo được phép.

 

Điểm chuẩn sư phạm thấp khiến GS Ngô Bảo Châu lo lắng về chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai. Ảnh: Hoàng Hà.

 

Ông Vinh đề xuất học tập Singapore, chọn những em xuất sắc ở phổ thông và có chính sách ưu tiên đãi ngộ trong quá trình học, làm việc, con đường sự nghiệp rộng mở để các em theo ngành sư phạm.

Ông nói thêm điểm chuẩn không phải là điều kiện cần và đủ để đảm bảo chất lượng giáo viên. Như năm nay, đề thi chuẩn hóa nhưng điểm trúng tuyển vẫn thấp chứng tỏ người học thiếu hụt kiến thức cơ bản ở phổ thông cũng như sẽ thiếu nhiều kiến thức về xã hội và tự nhiên khác.

“Không bột thì sao gột được nên hồ, nguyên vật liệu tốt hy vọng chất lượng sản phẩm sản xuất ra sẽ tốt. Trong điều kiện như hiện nay, về động cơ học tập, điều kiện đảm bảo chất lượng ở các trường có nhiều hạn chế, việc làm cho sinh viên đầu vào chất lượng thấp để có giá trị gia tăng là rất khó khăn. Kiến thức phổ thông như cái nền, nền chắc thì mới xây được kiến thức vững”, TS Vinh lý giải.

Người học hổng kiến thức thì trong 3, 4 năm đào tạo, rất khó bù đắp đủ. Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp khẳng định đây không phải hậu quả của chính sách thi cử mà từ chính sách đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ và là bài toán lớn về tài chính giáo dục.

Đào tạo để thất nghiệp thì đào tạo làm gì?

“Chắc chắn phải hạn chế tuyển sinh, vì đào tạo ra để thất nghiệp thì đào tạo làm gì”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Ông nói thêm không có sinh viên, vấn đề giảng viên thất nghiệp có thể giải quyết bằng cách đào tạo bổ sung, để họ tập huấn, bồi dưỡng lại cho giáo viên đang có nhu cầu kỹ năng dạy học ở các trường phổ thông. Thậm chí, đưa giáo viên trường cao đẳng về dạy ở các cấp học dưới ở những nơi thiếu. Đây cũng là vấn đề cần thiết trong tình hình hiện nay.

Sai lầm trong chỉ đạo, tổ chức triển khai quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục là một trong những nguyên nhân gây ra những vấn đề như hiện nay.

Theo ông Vinh, địa phương phải có trách nhiệm thống kê nhu cầu giáo viên về số lượng và kỹ năng cần thiết rồi tính toán câu chuyện hợp đồng đào tạo theo địa chỉ ký với các trường sư phạm. Để ngăn tiêu cực, công tác tuyển sinh cần minh bạch, phải có thanh tra, giám sát quá trình tuyển dụng.

Trong khi đó, Thông tư 57 và 32 vẫn quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo năng lực đào tạo của trường (theo số lượng giảng viên cơ hữu và theo diện tích xây dựng). Bộ GD&ĐT cần phải sửa đổi sớm nguyên tắc và cơ chế xác định chỉ tiêu.

 

Để dạy tiểu học ở Pháp, giáo viên phải vượt qua kỳ thi tuyển dụng (CRPE). Muốn dạy trung học, chủ yếu là THCS, giáo viên phải có chứng chỉ CAPES hoặc CAPET (chứng chỉ giảng dạy giáo dục công nghệ).

Giáo viên dạy trường tư, trường nghề hay thể dục đều phải vượt qua kỳ thi sát hạch riêng. Chỉ khi vượt qua kỳ thi biên chế khắt khe, giáo viên mới đủ tư cách dạy THPT và dự bị đại học.

Quá trình giảng dạy, họ chịu sự giám sát ngặt nghèo về trình độ chuyên môn và bị đào thải nếu không đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp.

 

Về vấn đề sinh viên sư phạm khó kiếm việc làm, ông Vinh đề xuất hai giải pháp.

Thứ nhất, giáo dục đại học là sinh viên được học trên nền học vấn rộng, vì thế nhiều em không làm giáo viên vẫn có thể làm công việc khác khi được học bổ sung những kỹ năng nghề nghiệp của công việc đó.

Nhà nước nên có rà soát số lượng chưa có việc làm và có thể đào tạo bổ sung những kỹ năng cần thiết như khởi nghiệp chẳng hạn, hỗ trợ vốn để các cử nhân chưa có việc làm có thể tạo dựng doanh nghiệp cho bản thân.

Thứ hai, Việt Nam có thể học tập Hàn Quốc, hình thành mô hình dạy kèm để tạo công việc cho sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm không được tuyển dụng. Việc này vừa giải quyết công việc cho người tốt nghiệp, giảm tải cho nhà trường, đáp ứng nhu cầu của học sinh và góp phần nâng chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, về lâu dài, nước ta cần tính toán căn cơ, có chế độ tuyển dụng, đãi ngộ, để thu hút người giỏi đồng thời có chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với các giáo viên ở vùng kinh tế xã hội còn rất khó khăn như vùng núi, vùng biển và hải đảo.

 

 

Đóng cửa trường sư phạm địa phương

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng ngoài giải quyết bài toán việc làm cho sinh viên, các trường cũng cần tăng cường công tác marketing.

Theo ông Dũng, nhà trường phải có trách nhiệm tư vấn thấu đáo về ngành nghề đào tạo để học sinh có những quyết định đúng đắn, bởi vì hiện tại, nhiều em còn chọn ngành theo tâm lý số đông, hùa theo bạn bè. Học hành không đến nơi, ra trường không có việc làm, là gánh nặng cho xã hội.

Ở cấp độ vĩ mô, việc cấp thiết nhất là phải quy hoạch lại mạng lưới các trường đào tạo sư phạm. Cụ thể hơn, ông Dũng cho rằng nên đóng cửa các trường đại học, cao đẳng sư phạm ở địa phương.

Theo ông, ngoài những trường sư phạm lớn hiện nay (ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm Quy Nhơn, Khoa Sư phạm - ĐH Cần Thơ, ĐH Sư phạm Đà Nẵng), các trường đại học tại phương được nâng cấp từ cao đẳng sư phạm vẫn đào tạo giáo viên. Như vậy, nguồn cung vượt xa nhiều lần so với cầu, dẫn đến tình trạng thất nghiệp tràn lan của các cử nhân sư phạm.

“Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình, tức là khi thu nhập người dân được nâng cao, chất lượng cuộc sống tốt hơn, người dân lại không muốn sinh con nữa. Như TP.HCM chẳng hạn, tỷ suất sinh đang giảm đến mức báo động. Do đó, sắp tới, số lượng học sinh ở các cấp đều giảm, trong khi giáo viên vào biên chế phải đến 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi với nam mới được nghỉ hưu. Như vậy, sinh viên sư phạm ra trường không thất nghiệp mới là chuyện lạ”, ông Dũng phân tích.

Mặt khác, việc đóng cửa các trường sư phạm ở địa phương cũng sẽ giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Chính phủ và Bộ GD&ĐT sẽ có nguồn lực để đầu tư nhiều hơn cho hai trường sư phạm tại Hà Nội và TP.HCM.

Theo ông Dũng, cần có nhiều biện pháp để chấn chỉnh ngay việc đào tạo ngành sư phạm. Mặc dù sẽ động đến lợi ích của nhiều người, chúng ta không thể bình tĩnh chờ được nữa. Một khóa sư phạm ra trường, khi các em đi nhận nhiệm sở, sẽ ảnh hưởng các thế hệ sau đến 50, 60 năm.

 

Có tiền hậu bất nhất?

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2016-2017 với giáo dục đại học diễn ra sáng 11/8, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được.

Nhiều bạn đọc và cư dân mạng đặt câu hỏi ngành giáo dục có tiền hậu bất nhất khi trước đó chưa lâu chính bộ trưởng đề xuất bỏ biên chế trong ngành giáo dục. Sau khi dư luận "dậy sóng" với phát ngôn này của người đứng đầu ngành giáo dục, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định bỏ biên chế chỉ là đề xuất của Bộ GD&ĐT.