Anh Pơ Loong Tum - Bí thư chi bộ của thôn La Bơ B, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, Quảng Nam.
Vượt khó từ sự quyết tâm của bản thân
Đến thăm nhà anh Pơ Loong Tum, 37 tuổi, dân tộc Tà Riềng, ở thôn La Bơ B, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, Quảng Nam, tuy căn nhà đơn sơ, nhưng có lẽ ai đến cũng sẽ “choáng” khi thấy gian ngoài treo đầy giấy khen của vợ chồng anh và hai con. Anh Pơ Loong Tum từng đi bộ đội, ra quân về làm phó trưởng thôn, công an thôn, rồi lên trưởng thôn, hiện anh làm Bí thư chi bộ của thôn La Bơ B. Trước đây, gia đình anh Tum thuộc diện hộ nghèo, bằng quyết tâm và nỗ lực học hỏi kinh nghiệm từ chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản, từ các anh bộ đội Đoàn Kinh tế Quốc phòng 207/Quân khu 5, từ bạn bè và kiến thức học được trên Internet, gia đình anh Tum đã thoát nghèo.
Anh Tum được công nhận là nông dân nòng cốt thôn La Bơ B, và anh còn nhận được nhiều giấy khen khác: Đã có thành tích xuất sắc trong công tác góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện năm 2014; Là giảng viên nông dân Chương trình canh tác lúa cải tiến (SRI). Vợ anh Tum là chị A Rất Thị Ngúi - Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Chà Vàh, huyện Nam Giang, Quảng Nam cũng có thành tích và nhận được giấy khen. Các con anh đều là học sinh giỏi.
Bên cạnh nuôi gà, anh Tum có đàn heo khoảng 20 con để cung cấp heo giống cho bà con.
Mua máy ấp trứng, áp dụng khoa học kỹ thuật phát triển chăn nuôi gà
Anh Tum kể: Ban đầu, cũng như cách làm xưa nay, anh chăn nuôi gà, để gà mẹ tự ấp trứng. Nhưng tháng này gà mái ấp được chục quả trứng, sang tháng sau gà mẹ mải ấp trứng, ít đi kiếm ăn, chỉ đẻ được 5-6 quả trứng. Thấy kém hiệu quả, anh vay tiền bạn bè mua máy ấp trứng nhỏ (giá: 1.250.000 đồng), mỗi mẻ ấp được hơn 100 quả trứng. Cứ khoảng 10 ngày, anh dồn được dăm chục quả trứng cho vào máy ấp một lần. Gà mẹ không phải ấp trứng mới có sức, đi kiếm ăn được sẽ đẻ nhiều. Nhưng không phải cứ mua máy ấp trứng về là đã thành công. Lúc đầu, tỷ lệ nở rất thấp, do để trứng lâu quá bị chết phôi. Anh tìm hiểu anh em, rút kinh nghiệm, thời gian giữ trứng cho mùa hè là khoảng 5 ngày, mùa đông khoảng 10 ngày, tỷ lệ nở nâng dần lên, đạt 70-80%.
Nhưng như vậy vẫn chưa hết khó khăn, vì chưa hiểu biết về khoa học kỹ thuật, chưa biết cách phòng ngừa bệnh, đàn gà bị ốm, chậm phát triển. Anh lên mạng Internet xem thông tin, thay đổi cách chăm sóc, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm vắc-xin phòng bệnh, đảm bảo đủ thức ăn cho gà. Kết quả, đàn gà phát triển tốt. Phát huy lợi thế, anh mở rộng nhân đàn, hiện giờ anh có 300 con gà, cung cấp gà giống, gà thịt, trứng gà cho bà con trong thôn. Gà đồi nhà anh Tum giờ đã có “thương hiệu”, nhà ai có đám cưới, hay có việc cần đến cả trăm con gà là tìm đến nhà anh Tum, có lúc anh không có đủ gà để bán. Anh Tum dự định sẽ mua máy ấp trứng lớn hơn, để mở rộng phát triển quy mô đàn gà.
Thiếu tá Nguyễn Đức Trung - Bí thư chi bộ, Đội trưởng Đội sản xuất nông lâm của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 207 tư vấn cho anh Pơ Loong Tum cách trồng cây cam Vinh, chanh không hạt hiệu quả.
Áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) cho năng suất cao
Lâu nay, cách làm lúa rẫy anh Tum áp dụng là gieo thẳng hạt xuống ruộng nước, cấy mạ dày, cho năng suất thấp, mỗi năm chỉ trồng 1 vụ. Nhờ được học kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) của FIDR (Nhật Bản) thuộc Dự án Cải thiện an ninh lương thực tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, anh Tum áp dụng gieo hạt trên đất khô, cấy mạ thưa xuống nước thì cây hấp thụ nhanh, phát triển mạnh, đẻ nhánh nhiều, năng suất cao, thu hoạch được 10 bao thóc, tương đương 550 - 600kg thóc/1 sào (1 sào = 500m2). So với làm theo cách truyền thống, chỉ thu hoạch 2-3 bao thóc/ 1 sào, thì cách làm của anh Tum cho năng suất cao gấp 3 lần, 1 năm thu hoạch 2 vụ lúa. Nguồn phân bón hữu cơ được anh tận dụng từ phân gia súc, ủ rơm rạ để bón cho lúa, cây ăn trái, cho sản phẩm sạch.
Anh Tum nhẩm tính, mấy tháng qua, thu nhập của anh có lúc được 5-6 triệu/tháng, cũng có lúc được nhiều hơn, thóc gạo dư dả, tận dụng nuôi gà, nuôi heo. Trước anh phải vay bạn bè, họ hàng gần 40 triệu đồng, đang trả dần từng tháng.
Đã 3 năm nay, nhờ cải tiến cách làm, kinh tế nhà anh Tum đã dư dả hơn, không còn bữa đói bữa no, chưa giáp hạt đã hết thóc, vợ chồng anh phải đi làm thuê. Tuy kinh tế còn khó khăn nhưng anh từ chối khoản tiền vay vốn hỗ trợ cho hộ nghèo, để nhường cho bà con nghèo hơn. Cũng không giữ “ngón nghề” để “làm giàu” cho riêng mình, anh Tum nhiệt tình chia sẻ cách làm hiệu quả của mình cho mọi người trong thôn, trong huyện mỗi khi họp chi bộ, họp thôn.
Vừa rồi, anh vui mừng báo tin được hỗ trợ gần trăm gốc cây cam vinh, cây chanh không hạt từ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 207. Với sự hỗ trợ, tư vấn tận tình, chu đáo của các anh bộ đội, sang năm tới, vườn cam, chanh của anh Tum hứa hẹn cho một vụ mùa bội thu. Khuôn mặt anh Tum bừng sáng khi viễn cảnh thật gần, gia đình dư dả, anh sẽ trả được hết nợ. Vui hơn nữa, từ gương làm kinh tế của anh Tum, nhiều gia đình trong thôn, trong huyện Nam Giang, Quảng Nam cũng dần thoát nghèo. Trong thôn, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 25%. Gần đây, hộ nghèo ngày càng giảm, những hộ đăng ký thoát nghèo chưa thấy có hộ nào tái nghèo.
Hồng Nga/TC GĐ&TE