Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hạ giải chùa Cầu (Hội An):Trùng tu nhưng không đánh mất di tích

Gần 120 nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý Việt Nam và Nhật Bản, cũng như người dân đều đồng thuận quan điểm hạ giải toàn bộ chùa Cầu (TP Hội An, Quảng Nam) để trùng tu. Song, trùng tu như thế nào để không đánh mất di tích, không “biến” di tích trăm tuổi thành “di tích một tuổi” là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Chùa Cầu.

Chùa Cầu - biểu tượng của phố cổ Hội An, di sản văn hóa thế giới - hiện đang đứng trước nguy cơ xuống cấp với áp lực ngày càng nặng nề. Hàng ngày chùa Cầu đón tiếp lượng lớn khách tham quan, trung bình 4.000 lượt khách. Cùng với đó, dưới cầu là sự biến chuyển của dòng chảy khe Ồ Ồ tại điểm chùa Cầu và môi trường ẩm ướt của sông nước. Do vậy các mố cầu, trụ cầu bị nứt, nhiều cột, kèo hư hỏng, mục ruỗng. Bên cạnh đó, chùa Cầu nằm ngay vùng rốn lũ Hội An, nơi có dòng chảy mạnh nên khi có lũ lụt, nguy cơ mất an toàn của di tích càng cao. Theo lịch sử, chùa Cầu được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17. Qua khoảng 400 năm tồn tại, chùa Cầu được tu bổ lớn 7 đợt và nhiều lần tu bổ nhỏ, lần trùng tu gần đây nhất là năm 1986. Theo ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tại hội thảo về  bảo tồn chùa Cầu tại Hội An vừa diễn ra vào ngày 16/8, các đại biểu đều nhất trí quan điểm hạ giải toàn bộ để trùng tu chùa Cầu, nhưng phải có sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đi đôi với áp dụng kỹ thuật hiện đại để đảm bảo tính nguyên gốc của di tích đặc biệt này... Việc trùng tu sẽ được triển khai trong khoảng thời gian 2017 - 2020.

Trước sự băn khoăn rằng, nếu như chùa Cầu hạ giải toàn phần thì có nguy cơ trở thành “di tích một tuổi”, KTS Lê Thành Vinh (Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích) khẳng định: “Chùa Cầu là kiến trúc đặc biệt vừa phục vụ tín ngưỡng vừa phục vụ giao thông. Tôi biết nhiều người lo lắng khi nghe đến chuyện tháo dỡ chùa. Tuy nhiên, nó chỉ là vấn đề kỹ thuật, hoàn toàn có thể xử lý được mà không đánh mất di tích”.

Trước ý kiến về hạ giải chùa Cầu, GS Trần Lâm Biền cũng cho biết, nếu như có các nhà khoa học vào cuộc thì việc hạ giải toàn phần chùa Cầu, sẽ phải làm theo cách ghi chép, đánh dấu rất cẩn thận, để từ đó chỗ nào hư hỏng không thể chữa được thì sẽ phải thay thế. Tức là làm việc một cách khoa học chứ không làm bừa, làm ẩu để tinh thần của chùa Cầu không bị giảm sút mà chỉ có chắc, bền hơn. GS Trần Lâm Biền cũng lưu ý, khi tu bổ chùa Cầu là phải có hội đồng khoa học, đặc biệt là những nhà khoa học nghiên cứu di sản, văn hóa chứ không phải theo kiểu kiến trúc sư đơn thuần.

Một góc phố cổ Hội An.                                   Ảnh: Tiến Luyến 

Đến thời điểm này, không chỉ các nhà khoa học, giới chuyên môn mà người dân cũng đồng thuận trong việc cần thiết phải tu bổ chùa Cầu. Về những lo lắng có thể làm méo mó di tích sau khi tu bổ, KTS Lê Thành Vinh cho rằng, kết quả tốt hay xấu phụ thuộc vào trình độ của người làm. Phải phân biệt rạch ròi hai chuyện đó. Chuyện có hạ giải hay không là câu chuyện kỹ thuật, không ai có thể làm khác được nếu điều đó là cần thiết. Di tích hỏng tới đâu phải sửa tới đó. Tất nhiên, hạ giải sẽ có nguy cơ làm biến đổi nhiều hơn nhưng không có nghĩa là không giải quyết tốt. Theo KTS Lê Thành Vinh, đình Chu Quyến là một ví dụ khi được hạ giải toàn bộ, mổ xẻ kỹ đến từng chi tiết, và sau trùng tu được đánh giá là một công trình chuẩn mực, đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. “Đừng sợ chuyện hạ giải mà không dám làm. Nếu tiếp cận di tích cẩn trọng và khoa học thì kết quả vẫn tốt. Ở Việt Nam, hạ giải công trình để trùng tu kiến trúc gỗ là chuyện bình thường. Chúng ta không cổ suý cho việc đó nhưng nếu cần thiết thì vẫn phải làm. Hạ giải cũng là một cơ hội để cân chỉnh lại cho ổn định và chuẩn mực” - KTS Lê Thành Vinh nhấn mạnh.