Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hà Giang: Dựa vào rừng để bảo vệ rừng (1)

Rừng hiện nay không chỉ phủ xanh đồi núi trọc, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học… Những năm gần đây, rừng còn là nơi đem lại hiệu quả kinh tế, giúp đảm bảo cuộc sống, nâng cao trình độ dân trí, thay đổi cuộc sống của nhân dân.

 

Bài 1: Những cách làm hay từ cơ sở

Ban đầu việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) người dân còn e ngại bởi lợi ích mà việc bảo vệ rừng mang lại. Tuy nhiên sau 5 năm thực hiện, tại Hà Giang chính sách đã đi vào lòng dân, giúp dân phát triển kinh tế, nâng cao trình độ và được nhiều người dân hưởng ứng thực hiện chính sách.

Ai cũng muốn có rừng để bảo vệ…

Cũng như nhiều địa phương khác có rừng trên cả nước, ngay sau khi Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được ban hành, ngày 29/11/2011 UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch 143/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị định 99 của Chính phủ, và kể từ đó đến nay nhiều địa phương trong tỉnh đã có nhiều đổi thay bởi cách thực hiện, đóng góp, chi tiêu của mỗi thôn, bản.

 

Người dân chăm sóc và bảo vệ rừng ở Hà Giang

 

Gia đình ông Lù Xín Cải, thôn Quang Tiến, thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì là một trong hàng ngàn hộ dân ở Hà Giang được giao khoán bảo vệ rừng và hưởng chính sách chi trả DVMTR, ông Cải cho biết: “Gia đình được giao khoảng 2ha, hàng năm ngoài việc được nhận tiền chăm sóc, bảo vệ rừng còn được vào rừng khai thác và sử dụng sản phẩm phụ trong rừng đó”.

Được biết, thôn Quang Tiến được quản lý hơn 300 ha rừng, trong đó có rừng sản xuất và rừng phòng hộ, mỗi hộ gia đình đều có bản cảm kết bảo vệ rừng đối với thôn và cán bộ kiểm lâm huyện, hàng năm nhận tiền do chính sách DVMTR chi trả.

Cũng tại huyện Hoàng Su Phì, ở vùng sâu, vùng xa cách thị trấn trung tâm vài chục cây số, ông Lù Văn Thanh, trưởng thôn Ma Lù Súng, xã Bản Nhùng - cho biết: “Thôn được hưởng lợi nhiều từ bảo vệ rừng, trước đây dù không có tiền nhưng vẫn bảo vệ. Từ trước tới nay không cho ai chặt ở rừng cấm và rừng của gia đình, nếu chặt mà không được thôn nhất trí thì sẽ bị xử phạt, đồng thời thôn tuyên truyền cho các cháu không được phá, hoặc thấy ai phá thì báo cáo trưởng thôn và chính quyền”.

 

Kênh mương được xây dựng nhờ tiền DVMTR tại huyện Quanh Bình (Hà Giang)

 

Không chỉ mỗi hộ dân làm tốt nhiệm vụ giữ rừng và hưởng lợi từ rừng, tại Hà Giang mấy năm gần đây được nhiều người ở nhiều địa phương biết đến việc các thôn sau khi nhận tiền từ chính sách chi trả DVMTR đã góp nhau lại để có được những khoản tiền lớn.

Điển hình như các hộ dân ở xã Tả Nhìu, huyện Xín Mần đã xây dựng được quỹ lên đến hàng tỷ đồng, từ quỹ này sẽ cho các hộ nghèo trong thôn vay với lãi xuất thấp hoặc không lãi để phát triển kinh tế, mô hình này đã được nhân rộng toàn huyện, và mang lại hiệu quả cao, là động lực cho rất nhiều bà con ai cũng muốn có rừng để bảo vệ.

Bản làng đổi thay

Nhiều hộ dân tại thôn Vai Lung, xã Tả Nhìu đã mạnh dạn vay vốn từ tiền quỹ mà bà con nhận từ chi trả DVMTR để mua lợn đen về nuôi, thậm chí có hộ vay để mua trâu, sau vài năm quỹ đi vào hoạt động đã giúp cho hàng chục hộ dân nơi đây có của ăn của để, có hộ từ hai bàn tay trắng nay đã có đàn lợn lên tới hàng chục con.

Không chỉ giúp bà con, hộ nghèo phát triển kinh tế, từ nguồn quỹ đó bà con đã chủ động xây dựng đường bê tông nông thôn vào tận nhà mỗi hộ dân, giúp nhau di dời nhà cửa khỏi nơi nguy hiểm bởi sạt lở đất, lũ lụt, xây nhà văn hóa

 

Đường bê tông do bà con đóng góp xây dựng tại thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang)

 

Ở những vùng thấp hơn, đời sống của bà con được cải thiện hơn bởi thuận tiện về đường giao thông, ruộng vườn màu mỡ, có đất để canh tác như tại xã Xuân Minh, huyện Quang Bình, sau khi nhận tiền từ chính sách chi trả DVMTR đã đưa ra giải pháp chuyển nguồn quỹ của các thôn vào quỹ để thực hiện xây dựng nông thôn, điều này phù hợp với thực tế nên rất được người dân ủng hộ.

Lãnh đạo xã Xuân Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, với nguồn vốn được phân bổ 1,1 tỷ đồng và nguồn vốn đóng góp của nhân dân; xã đã xây dựng 1,2 km đường từ thôn Minh Sơn đến thôn Minh Tiến, làm được 330m kênh mương tại thôn Minh Sơn.  Nâng cấp 2,7 km đường 4 m vào thôn Pắc Péng, tuyến đường bê-tông 1,5 km từ thôn Minh Sơn đi thôn Lang Cang.

 

Rừng mang lại nguồn thu nhập ổn định trong mấy năm gần đây tại Hà Giang

 

Không chỉ mỗi hộ dân được giao khoán chăm sóc rừng, ở Hà Giang nhiều địa phương rừng còn được giao cho cộng đồng bảo vệ và hưởng lợi từ rừng. Ông Ly Seo Giáo, ở thôn Na Quang, xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ - cho biết: “Năm 2015, khi có chương trình chi trả DVMTR, 72 hộ ở thôn được lĩnh số tiền là 80 triệu đồng, bà con đã thống nhất, họp bàn thôn quyên góp toàn bộ số tiền để thuê máy xúc về làm đường. Từ đó thôn có con đường đẹp, xe máy có thể đến tận nhà mỗi hộ dân, mưa không trơn trượt nữa, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn”.