Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Tiềm năng, dư địa phát triển còn rất lớn
Báo cáo của tỉnh Hà Giang và các ý kiến tại cuộc làm việc cho rằng với những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội của mình, Hà Giang hoàn toàn có thể phát triển nhanh, xanh, bền vững, là "phên giậu" vững chắc của Tổ quốc.
Hà Giang có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh; là vùng đất địa đầu, biên cương Tổ quốc. Tỉnh có diện tích tự nhiên gần 8.000 km2 (thứ 14/63 cả nước); dân số hơn 900.000 người (thứ 47/63) với 19 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 88% dân số.
Về tiềm năng nông nghiệp, Hà Giang có diện tích đất rừng lớn với tỉ lệ che phủ rừng đạt gần 59%, có tiềm năng về mua bán tín chỉ carbon; có tính đa dạng sinh học cao với gần 1.500 loài thực vật; hơn 460 loài động vật với trên 100 loài động vật trong sách đỏ và trên 100 loài thực vật quý hiếm.
Tỉnh có nguồn dược liệu đa dạng, phong phú (trên 1.100 loài cây thuốc, trong đó có nhiều loại cây thuốc quý). Có hệ thống sông, suối dày đặc; diện tích hồ gần 8.900 ha.
Về tiềm năng công nghiệp, tỉnh nhiều sông thuận lợi cho phát triển thủy điện; tài nguyên khoáng sản đa dạng, một số khoáng sản có trữ lượng tương đối lớn như quặng sắt, quặng chì, kẽm, quặng mangan, quặng antimon…
Về tiềm năng du lịch, Hà Giang có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, môi trường trong lành, nhiều địa điểm đã được biết đến nhiều trong nước, quốc tế như cao nguyên đá Đồng Văn - công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của đất nước; sông Nho Quế, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, cổng Trời, núi đôi Quản Bạ, Mã Pì Lèng - một trong "tứ đại đỉnh đèo" đẹp nhất của Việt Nam, cột cờ Lũng Cú... Hà Giang là điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á 2023 do World Travel Awards bình chọn.
Con người Hà Giang giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, đôn hậu, mến khách; văn hóa các dân tộc đặc sắc với nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời, nhiều ngành nghề truyền thống, nhiều lễ hội độc đáo, văn hóa ẩm thực các dân tộc phong phú. Tỉnh có có 1 di sản văn hóa, 1 di sản thiên nhiên được UNESCO ghi danh, 31 di tích xếp hạng cấp quốc gia…
Đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Năm 2022, tỉnh đạt và vượt 29/36 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP tăng 7,62% (vượt mục tiêu đề ra là 7,5%); GRDP bình quân đầu người tăng 3,66 triệu đồng. Thu ngân sách Nhà nước vượt 32,7% dự toán. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 18,5%.
Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch tích cực, năng suất, chất lượng được nâng lên; các cây trồng chủ lực (như cam, chè...) phát triển theo hướng tiêu chuẩn, chất lượng cao. Giá trị sản phẩm trồng trọt bình quân/ha đất canh tác năm 2022 ước đạt 59,5 triệu đồng/ha, tăng 3,3 triệu đồng/ha so với năm 2021.
Công nghiệp tăng trưởng tốt; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,8%; có thêm 6 dự án thủy điện đi vào hoạt động. Dịch vụ, du lịch phục hồi tốt; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng gần 20,6%; đón 2,2 triệu lượt khách du lịch, gấp 2,4 lần năm 2021. Cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện.
Trong những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh có nhiều điểm sáng. GRDP quý I tăng trưởng dương (đạt 2,65%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng gần 18,3% so với cùng kỳ.
Nông nghiệp tiếp tục khởi sắc. Dịch vụ, du lịch tiếp tục phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng gần 17,2%, tổng lượng khách du lịch tăng 26% so với cùng kỳ.
Công tác lập quy hoạch được triển khai đảm bảo tiến độ. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện, dự án cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang được khởi công.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; chính sách cho đồng bào dân tộc, giảm nghèo được triển khai đồng bộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,4%/năm trong giai đoạn 2021-2022. Hà Giang là một trong 3 tỉnh được Trung ương bố trí nguồn vốn lớn nhất để để triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Quốc phòng, an ninh, biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động hợp tác, giao lưu với các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) được đẩy mạnh.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo và ý kiến của các đại biểu; ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Giang, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra, làm thay đổi diện mạo, vị thế Hà Giang, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng và các đại biểu cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của Hà Giang, cần nỗ lực, phấn đấu hơn nữa. Quy mô kinh tế còn nhỏ; GRDP bình quân đầu người còn thấp; thu ngân sách Nhà nước chưa đủ chi.
Tỉnh cần đẩy mạnh sản xuất, tạo sinh kế cho người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, với các ngành nghề mới, không gian phát triển mới, các khu công nghiệp mới, khu dịch vụ mới và đặc biệt là khí thế mới của nhân dân, với việc xây dựng hạ tầng chiến lược (giao thông, điện, nước, viễn thông). Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn của Hà Giang.
Thủ tục hành chính, môi trường đầu tư cần thông thoáng hơn; năng lực cạnh tranh, các chỉ số về cải cách hành chính cần được cải thiện hơn; coi trọng hơn nữa việc phát triển đội ngũ doanh nhân, kinh tế tư nhân. Chú trọng hơn nữa việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc và bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.
Việc phát triển văn hóa, xã hội có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu. Cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề vệ sinh, môi trường cho nhân dân, nâng cao ý thức người dân, đẩy lùi, xóa bỏ các hủ tục… Chênh lệch giàu nghèo còn lớn, đời sống nhân dân nhiều nơi khó khăn; tỉ lệ nghèo còn cao (năm 2022 là 37,08%, cao nhất nước); còn 7/10 huyện là huyện nghèo.
Biến tiềm lực thành nguồn lực; biến di sản thành tài sản
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, Thủ tướng đề nghị Hà Giang cần nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, tự tin, càng áp lực lại càng nỗ lực bởi "non cao cũng có đường trèo, đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi".
Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm, định hướng lớn trong thời gian tới. Theo đó, phải luôn phải ghi nhớ và thực hiện 8 lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu khi Người đến thăm Hà Giang năm 1961; giữ vững, củng cố và tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong hệ thống chính trị, đoàn kết toàn dân.
Quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; chú trọng vận dụng sáng tạo, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, từ khung trời, mảnh đất, cửa khẩu với núi sông hùng vĩ của mình, vươn lên bằng sức mạnh nội sinh, biến tiềm lực thành nguồn lực, biến di sản thành tài sản.
Giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì những vấn đề nguyên tắc nhưng chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình thực tiễn, có sản phẩm cụ thể, hiệu quả cân đong đo đếm được.
Phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, tránh khuynh hướng trông chờ, ỷ lại và khuynh hướng an phận, sợ trách nhiệm, sợ sai; không mất tự tin khi gặp khó khăn, không quá lạc quan khi có điều kiện thuận lợi.
Phát triển nhanh và bền vững, toàn diện, bao trùm, hiệu quả, bảo đảm sự hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Với đường biên giới 277km với Trung Quốc, Hà Giang cần giữ vững quốc phòng an ninh, xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển; luôn chủ động, không để bị động, bất ngờ trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị, trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, vì nhân dân phục vụ.
Đẩy mạnh liên kết vùng theo Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, mạnh dạn kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hà GiangVề nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực phát triển; đẩy mạnh triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển.
Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu đổi mới cách thức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, thiết kế quy trình, thủ tục thông thoáng, nhanh chóng.
Thủ tướng đề nghị Hà Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng - coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Hoàn thành công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đúng tiến độ, chất lượng trong quý III/2023 với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, chỉ ra và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, khắc phục được các khó khăn, thách thức của địa phương.
Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực). Rà soát các vướng mắc về thể chế và nêu rõ cơ quan, cấp có thẩm quyền giải quyết, xây dựng cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển, thu hút đầu tư.
Đặc biệt chú trọng phát triển, tăng cường hệ thống trường dân tộc nội trú; nghiên cứu xây dựng Trường Đại học Hà Giang đa ngành, đa cấp (đào tạo cả trình độ cao đẳng, trung cấp), đảm bảo tốt nhất việc tiếp cận giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Quyết tâm, tập trung thực hiện đột phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế; đồng thời chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số.
Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu). Phát triển đồng bộ, cân bằng, hài hòa giữa các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thường xuyên lắng nghe, nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển. Cải thiện mạnh mẽ các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), các chỉ số về cải cách hành chính (Papi, Par Index), chỉ số về chuyển đổi số (DTI).
Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943, đường lối Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa, các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, xây dựng và phát triển văn hóa theo hướng "dân tộc, khoa học, đại chúng", đưa văn hóa trở thành động lực, nguồn lực nội sinh của phát triển; phát triển văn hóa số, phát huy truyền thống văn hóa của 19 dân tộc trên địa bàn.
Thủ tướng nhắc lại phát triển văn hóa cũng chính là để góp phần củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa cần theo hướng chuyên nghiệp, thương mại, phù hợp với bản sắc dân tộc.
Thủ tướng lưu ý Hà Giang chú trọng đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện hiệu quả giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên cơ sở xây dựng, phát triển các mô hình sinh kế cho người dân, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Thủ tướng yêu cầu Hà Giang phối hợp với các tỉnh miền núi phía bắc để xây dựng, triển khai đề án cụ thể nhằm đẩy mạnh rà phá bom mìn và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đồng thời, giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác đối ngoại với 2 tỉnh biên giới của Trung Quốc; đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu và các hoạt động hợp tác, giao lưu khu vực biên giới.
Thủ tướng đề nghị Hà Giang đẩy mạnh chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, khắc phục tình trạng thiếu điện, thiếu sóng viễn thông bằng mọi giải pháp, kêu gọi, huy động các nguồn lực cho nhiệm vụ này.
Triển khai rà phá bom mìn trên 3.000 ha trên tuyến biên giới
Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đã cho ý kiến về các kiến nghị của Hà Giang.
Trong đó, về dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang khẩn trương hoàn thiện các quy trình, thủ tục và cân đối bố trí đủ vốn ngân sách địa phương để tập trung đầu tư dự án cao tốc Hà Giang – Tuyên Quang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang.
Việc đầu tư hoàn chỉnh, nâng quy mô lên 4 làn xe với dự án cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang (giai đoạn 1) và đầu tư đoạn từ Tân Quang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (giai đoạn 2) với quy mô 4 làn xe là cần thiết, Thủ tướng giao UBND tỉnh Hà Giang chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, lập dự án cụ thể, chủ động bố trí nguồn lực và nghiên cứu hình thức hợp tác công tư, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
"Việc xây dựng tuyến đường này sẽ mở ra không gian phát triển mới, các khu công nghiệp, khu dịch vụ mới, khu đô thị mới và đặc biệt là mở ra lòng dân, mở ra khí thế phát triển mới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đồng ý việc hỗ trợ một phần kinh phí để rà phá bom mìn, vật nổ kết hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, giải phóng đất đai tạo sinh kế cho nhân dân với diện tích hơn 3.000 ha trên tuyến biên giới; yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang chủ trì, thống nhất với Bộ Quốc phòng để rà soát, xác định các khu vực cần triển khai thực hiện khẩn cấp theo thứ tự ưu tiên và đề xuất nhu cầu vốn, gửi các bộ ngành tổng hợp, đề xuất.
Về ngân sách để giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt tại 4 huyện vùng cao núi đá phía bắc, Thủ tướng nêu rõ đây là nhiệm vụ ưu tiên. UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với các cơ quan rà soát, đánh giá hiện trạng, hiệu quả hoạt động của các công trình hiện hữu, nhu cầu cấp nước sinh hoạt, khả năng đáp ứng nguồn nước và nguồn vốn để xác định quy mô hỗ trợ đầu tư phù hợp, lập dự án cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về 200 thôn chưa có điện, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang rà soát, ưu tiên sử dụng số vốn đầu tư công đã được giao trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng các công trình cấp điện cho các thôn, bản khó khăn nhất.
Bộ Công Thương tổng hợp kiến nghị của tỉnh Hà Giang, khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ nghiên cứu về nguồn vốn, cơ chế tài chính thực hiện Chương trình "Cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025", báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.