Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hà Nam: Chủ động đào tạo lao động cung ứng cho khu công nghiệp

Trong lĩnh vực giải quyết việc làm, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang diễn ra nghịch lý, đó là nguồn lao động khá đông, song nhiều doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn vẫn không tuyển đủ nhân lực. Để giải quyết tình trạng này, Hà Nam đang cố gắng cân đối nguồn nhân lực, hoạch định chiến lược thu hút đầu tư, cung ứng nguồn nhân lực.

 

Cung lao động dồi dào

  Hiện nay, nhiều tỉnh, thành đang thiếu trầm trọng lao động làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), do vậy đã phải về tận “vùng sâu, vùng xa”  ở Hà Nam để tuyển dụng lao động, với số lượng hàng chục nghìn người. Thực tế  hiện nay, một số doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh Hà Nam đã liên kết với các xã, về tận thôn xóm tuyển lao động. Về nguồn lực lao động, theo khảo sát của Sở LĐ-TB&XH Hà Nam, hiện toàn tỉnh có khoảng 26.500 người cần giải quyết việc làm. Tính đến cuối năm 2014 có 1.057 doanh nghiệp cần tuyển thêm 8.334 người. Như vậy, so sánh giữa số người đăng ký tìm việc và số lao động các doanh nghiệp cần tuyển, rõ ràng có sự chênh lệch lớn. Mấy năm trước, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có hiện tượng nguồn lao động dịch chuyển vào phía Nam và một số tỉnh phía Bắc tìm việc. Một số doanh nghiệp FDI ở tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên như Cty SamSung Việt Nam cần tuyển 30.000 lao động với đối tượng tốt nghiệp THPT, ngay với nhóm lao động này, bản thân doanh nghiệp ở Hà Nam cũng rất cần.

Nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Hà Nam rất cần lao động có tay nghề.

Nguồn cung lao động nhiều, tuy nhiên thực tế hiện nay, nhiều Cty, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vẫn rất thiếu lao động. Tại các phiên giao dịch việc làm của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nam, thu hút nhiều lao động đến tham gia, nhưng doanh nghiệp tuyển dụng được rất ít. Lý giải về hiện tượng này, ông Phạm Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nam, cho biết: “Nguồn lao động của tỉnh không đồng đều về trình độ văn hóa, trình độ kỹ thuật, sức khỏe, ý thức tác phong công nghiệp và khoảng cách chênh lệch về độ tuổi. Tại mỗi phiên giao dịch việc làm bình quân thu hút được 300- 500 người tìm kiếm cơ hội việc làm, cùng hàng chục Cty, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Tuy nhiên, số lượng lao động tìm được việc làm qua giao dịch chiếm tỷ lệ không cao.…”

Cũng theo ông Hùng, có nhiều nguyên nhân, trong đó do doanh nghiệp đòi hỏi cao, nhưng thực tế rất nhiều lao động đến tham gia phiên giao dịch lại không đáp ứng được yêu cầu. Các Cty,  doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp dệt may thông báo cần tuyển  số lượng lớn lao động, với mức lương hấp dẫn từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng, khi vào làm việc lao động phải làm từ 12-14 giờ/ngày mới đạt mức lương trên, thế là họ bỏ việc, doanh nghiệp lại rơi vào tình trạng thiếu lao động. 

 Thay đổi chính sách thu hút lao động

 Cũng theo ông Phạm Hùng, giải pháp để thu hút nguồn lao động có tay nghề, trình độ  trong thời gian tới tỉnh Hà Nam sẽ phối hợp với các nhà đầu tư đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại lao động, thu hút các nhà đầu tư có công nghệ sản xuất hiện đại, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, quan tâm đến đời sống người lao động. Bên cạnh đó, các Cty, doanh nghiệp cũng phải thực sự quan tâm đến đời sống của người lao động, có chính sách phối hợp với các trung tâm dạy nghề, chính quyền địa phương trong công tác đào tạo tuyển dụng. Quá trình tuyển dụng, nâng mức tuổi của lao động trên 30 tuổi, thay bằng hiện nay chỉ tuyển từ 18-30 tuổi. Các ngành chức năng, tổ chức công đoàn cần tăng cường giám sát việc doanh nghiệp thực hiện các chế độ chính sách quy định của nhà nước đối với người lao động. Có như vậy mới đáp ứng đủ nguồn lao động cho các doanh nghiệp và hạn chế tình trạng lao động “nhảy việc’’ ngay trên địa bàn.

Lao động tại Nhà máy Honda Hà Nam.

Được biết, tại tỉnh Hà Nam hiện nay có khoảng 60.000 lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (tại các KCN có hơn 36.000 người, còn lại làm việc ở trong các cụm tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề). Do vậy, để phục vụ định hướng tăng tốc phát triển công nghiệp đến năm 2020 và những năm tiếp theo, các ngành chức năng tỉnh Hà Nam cần quy hoạch lại nguồn lao động, xác định từng nhóm ngành để xây dựng kế hoạch đào tạo theo từng giai đoạn. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư thật phù hợp về nguồn nhân lực, cần tính đến phân bố các doanh nghiệp về từng vùng. Đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đưa về vùng nông thôn, thu hút lao động nông nhàn, không có điều kiện đi làm xa nhà.

Trước mắt, thiết nghĩ ngành LĐ-TB&XH Hà Nam cần tiếp tục duy trì tốt hoạt động của sàn giao dịch việc làm, hỗ trợ tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp. Cần tiếp tục khảo sát nhu cầu tìm việc làm của người lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, trên cơ sở đó, kết nối hỗ trợ cả người lao động và doanh nghiệp. Ngoài ra, các trường dạy nghề trực thuộc Sở LĐ-TB&XH chủ động phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp đào tạo và đào tạo lại nguồn lao động phục vụ cho các KCN, đặc biệt là doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc đang hoạt động trên địa bàn.