Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Cụ thể, trong số 13.174 người được tạo việc làm mới trong 9 tháng đầu năm thì lao động nữ là 5.380 người. Trong đó, 752 người đi xuất khẩu lao động, đạt 75,2% kế hoạch và có khoảng 15.094 người được tạo việc làm thêm. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cũng hỗ trợ tuyển dụng lao động tại Khu công nghiệp Hòa Mạc - huyện Duy Tiên và các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, kết quả đã hỗ trợ tuyển dụng 1.122 lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp.
Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh cũng đã tổ chức khảo sát nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động của các doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tìm việc làm. Tổ chức 16 phiên giao dịch việc làm thu hút 1.624 người tham gia đăng ký tìm việc làm và giới thiệu vào làm việc tại 213 đơn vị, doanh nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề cho 5.107 người; Tiếp nhận tư vấn về chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 2.003 người lao động, quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 1.791 người lao động với tổng số tiền chi trả 15,031 tỷ đồng.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tỉnh đặc biệt quan tâm
Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai kế hoạch hoạt động công tác Việc làm và An toàn lao động như: tuyển chọn thực tập sinh đi Nhật Bản và triển khai về kỳ thi và phối hợp tổ chức đăng ký dự thi tiếng Hàn theo Chương trình EPS cho người lao động lao động; thu thập lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động năm 2016; phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn (2016-2020); điều chuyển nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm tỉnh Hà Nam.
Hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2016 và giai đoạn (2016-2020); hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tự kiểm định chất lượng dạy nghề; đăng ký tham gia hội diễn văn nghệ học sinh, sinh viên các cơ sở dạy nghề năm 2016.
Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở dạy nghề đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo nghề theo chỉ tiêu kế hoạch năm 2016, đến nay các cơ sở dạy nghề đã tuyển sinh, đào tạo được 6.234 người (trong đó: cao đẳng nghề 62 người; trung cấp nghề 852 người; sơ cấp nghề 1.949 người và dạy nghề thường xuyên dưới 03 tháng 3.371 người).
“Riêng Trường Cao đẳng nghề Hà Nam đã tuyển sinh 1.785 học sinh, sinh viên ở các hệ đào tạo và chất lượng đào tạo từng bước nâng cao, đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn việc đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Đào tạo 1.000 lao động ngành công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản giai đoạn 2014-2016”; tăng cường các hoạt động liên kết đào tạo, chú trọng đào tạo nghề có chất lượng chuyên môn kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và xã hội. Tổ chức nhập học đợt I năm học 2016-2017 hệ cao đẳng nghề, trung cấp nghề với 386 học sinh, sinh viên”, Giám đốc Sở Nguyễn Mạnh Tiến thông tin.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm
Làm tốt công tác giải quyết việc làm hiệu nhờ chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường
Về những nhiệm vụ đặt ra trong những tháng cuối năm, ông Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, Sở sẽ tiếp tục hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách pháp luật lao động, luật bảo hiểm xã hội; hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2017; kiểm tra nắm bắt tình hình tiếp nhận thang, bảng, phụ cấp lương tại các huyện, thành phố, việc tổ chức thực hiện thang, bảng, phụ cấp lương của một số doanh nghiệp và kiểm tra, giám sát việc thực hiện BHXH tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Triển khai tập huấn, huấn luyện công tác An toàn vệ sinh lao động theo chương trình quốc gia về An toàn vệ sinh lao động; triển khai hệ thống quản lý công tác an toàn lao động trong các doanh nghiệp; kiểm tra, nắm tình hình thực hiện pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động hướng dẫn việc thực hiện chính sách pháp luật lao động tại các doanh nghiệp; tổ chức giám sát các nội dung ủy quyền về quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động đối với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh; tiếp tục phối hợp tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp Hòa Mạc - huyện Duy Tiên và các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, phát huy hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm, kết nối thông tin thị trường cung - cầu lao động và tiếp nhận và giải quyết kịp thời chế độ Bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo các cơ sở dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp thực hiện tốt công tác tuyển sinh, dạy nghề theo chỉ tiêu kế hoạch được giao; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.