Theo đó, giá trị lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong vòng một tháng là 21.500 tỷ đồng; giá trị lượng hàng hóa trong tháng có dịch (tăng gấp 3 lần) là 64.000 tỷ đồng; giá trị lượng hàng hóa trong 3 tháng có dịch là 194.000 tỷ đồng; giá trị lượng hàng hóa hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) là 21.500 tỷ đồng.
Căn cứ lượng hàng hóa trên, các doanh nghiệp chủ động dự trữ hàng hóa theo phân bổ của Sở Công Thương, khuyến khích các doanh nghiệp dự trữ số lượng hàng nhiều hơn kế hoạch đã đưa ra. Đồng thời, với vai trò đầu tàu kinh tế vùng trọng điểm Bắc Bộ, Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu cho các tỉnh có dịch bùng phát.
Về công tác điều phối nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân, các doanh nghiệp chủ động hàng hóa, điều tiết trong hệ thống, chủ động bảo đảm nguồn hàng hóa tại quầy, kệ, kho trung tâm, kho các tỉnh, hợp đồng với nhà cung cấp... bảo đảm đủ hàng hóa cho nhân dân.
Sở Công Thương cử cán bộ phối hợp chặt chẽ với đầu mối tại các quận, huyện, thị xã và các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nắm chắc về tình hình hàng hóa, giá cả để kịp thời chỉ đạo các đơn vị bổ sung ngay hàng hóa tại các điểm bán thiếu hàng trong hệ thống, hoặc chỉ đạo các doanh nghiệp khác tổ chức bán hàng lưu động để kịp thời cung cấp đủ hàng hóa phục vụ nhân dân.
Các quận, huyện, thị xã bảo đảm đủ lượng hàng hóa "4 tại chỗ" trên địa bàn, chủ động điều phối các phường, xã thuộc địa bàn; trong trường hợp thiếu hàng, chủ động phối hợp với Sở Công Thương để điều tiết, cung ứng kịp thời.
Trường hợp thiếu hàng cục bộ, các doanh nghiệp khẩn trương điều tiết trong hệ thống để chuyển hàng nhanh nhất đến các điểm thiếu hàng. Trường hợp nhiều điểm bán trên một địa bàn phải ngừng kinh doanh, nhu cầu mua hàng tăng cao (từ 50% đến 100%) so với ngày bình thường thì tổ chức điều động các đơn vị khác hỗ trợ đưa hàng đến khu vực thiếu hoặc tổ chức cung ứng hàng lưu động để đáp ứng nhu cầu người dân.