Để giúp người dân hiểu rõ hơn về quy trình, thời gian mà Hà Nội sẽ khôi phục, trồng lại các cây xanh bị gãy đổ, ngày 19/9, báo Dân trí tổ chức buổi tọa đàm "Tái thiết cây xanh đô thị Hà Nội”.
Có việc cẩu thả trong việc trồng cây xanh?
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thế Công, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, bão Yagi đã làm khoảng 11.000 cây xanh đô thị do Sở Xây dựng quản lý bị đổ, bật gốc và hơn 3.000 cây bị gãy cành.
Trong số cây xanh đô thị bị đổ, bật gốc, có khoảng 3.500 - 4.000 cây có thể cứu (trồng, dựng lại) được; trong đó hơn 100 cây quý hiếm, cây di sản, cây được bảo tồn, cây cổ thụ. Trong số này có 9 cây sưa đỏ là cây quý hiếm, có giá trị và 94 cây di sản, cây được bảo tồn, cây cổ thụ như sanh, si, đa, đề tại các khu vực đền Bà Kiệu, hồ Gươm và trong khác khu di tích, lịch sử, văn hóa...
Một vấn đề được rất nhiều người quan tâm, đó là có nhiều cây xanh bị gãy đổ, lộ ra gốc cây còn nguyên bầu bọc rễ, được trồng khá nông chỉ khoảng 30 - 50cm. Dư luận cho rằng có thể do đơn vị trồng cây cẩu thả, sai kỹ thuật khiến cây dễ gãy đổ?.
Ông Nguyễn Thế Công cho biết, việc trồng cây xanh đã được UBND TP Hà Nội quy định tại Quyết định 34/2020/QĐ-UBND ngày 8/12/2020 về quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật duy trì công viên, cây xanh và chăn nuôi động vật trưng bày trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó yêu cầu rất kỹ về kỹ thuật.
Theo đó, về kích thước hố, kích thước bầu cây +0,4m, đào hố đến chiều sâu hơn kích thước chiều cao bầu cây tối thiểu 0,3m đối với mặt bằng trồng cây có đất tự nhiên phù hợp cho cây trồng. “Với thông tin như báo chí nêu về việc hố trồng cây khá nông khoảng 30 - 50cm là chưa phù hợp với quy định trồng cây của thành phố”, ông Công nói.
Về kỹ thuật trồng, theo ông Công, trước khi trồng phải tháo bỏ bao bầu cây (đối với vỏ bầu không có khả năng tự phân hủy), cắt hết dây buộc, đặt bầu cây vào chính giữa hố đảm bảo cây trồng thẳng đứng.
Tuy nhiên, ông Công thừa nhận, “có thể trong quá trình trồng cây, tại một số vị trí hay của một số chủ đầu tư là quận, huyện hoặc cá nhân, tổ chức khác chưa thực hiện đúng quy định, chưa thực hiện tháo bỏ vỏ bầu trước khi trồng. Trách nhiệm trong việc này thuộc về các chủ đầu tư.
Sở Xây dựng tiếp thu ý kiến trên và sẽ đôn đốc, nhắc nhở, giám sát chủ đầu tư để không xảy ra trường hợp tương tự như phản ánh. Nếu chủ đầu tư không thực hiện nghiêm thì yêu cầu trồng lại hoặc không nghiệm thu”.
Không dễ “cứu” đối với cây cổ thụ
Sau bão số 3, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đi kiểm tra các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão. Tại các buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội lưu ý các đơn vị, địa phương đối với cây xanh gãy đổ, cây nào “cứu” được phải hết sức cứu, dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc, bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ, vì trồng được một cây không dễ và mất rất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, GS,TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Trường Đại học Lâm nghiệp) cho rằng, không thể nói là "cứu” cây được. Bởi cây cũng có tuổi đời, càng cổ thụ thì các bộ phận sinh trưởng càng yếu.
“Cây cổ thụ đổ, mà đào hố trồng lại không khác gì ngâm cây vào chậu nước, không thể sống được. Muốn cứu cây phải đưa đi vườn ươm. Khi trồng lại, cây phải được cuốn, tưới nước thường xuyên.
Thời tiết rất thất thường, với sự chênh lệch nhiệt độ và mực nước ngầm cao, bộ rễ của cây rất dễ bị ảnh hưởng. Khi cây đã đổ, muốn sử dụng lại không phải cây nào cũng dựng được mà phải đưa về vườn ươm. Theo quy định nếu cây đổ nghiêng quá 45 độ phải đưa về vườn ươm chăm sóc. Còn nếu cây đã đổ vật ra, một phần đã đứt rễ, một phần bị dập gẫy. Khi nâng lên, cắm xuống rễ sẽ dập lần nữa. Do đó sức khỏe của cây càng yếu đi”, GS,TS Đặng Văn Hà cho hay.
Còn theo TS, Kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam, Trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) có 2 vấn đề cần phải làm ngay, đó là rà soát những cây đã gãy, đổ xem cây nào có khả năng phục hồi, cây nào cần trồng thay thế.
Bên cạnh đó, cần rà soát những cây chưa đổ gãy để đánh giá khả năng phòng, chống của cây khi gặp sự cố về thiên tai. Đây là những việc mà thành phố cần xem xét, cân nhắc, sớm triển khai để đảm bảo an toàn cho người dân.
Trồng mới cây xanh thế nào cho phù hợp
Một vấn đề được đông đảo người dân quan tâm là trong phố cổ của Hà Nội cần trồng những loại cây nào để có thể thay thế cho những cây to đã bị đổ, gãy không thể trồng lại?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Công, cho biết, theo Luật Quy hoạch, trồng cây xanh không phải là quy hoạch chuyên ngành. TP Hà Nội hiện có quy hoạch về trồng cây xanh dựa trên quy hoạch sử dụng đất, nghĩa là trong quy hoạch sử dụng đất, nếu là đất cây xanh thì chúng ta có thể tổ chức xây dựng vườn hoa, công viên.
“Sau bão Yagi, Thành ủy và UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng phải rà soát, đánh giá lại từ chủng loại cây, các vị trí trồng cây, điều kiện thổ nhưỡng cũng như không gian để cây xanh phát triển...
Thực hiện chỉ đạo, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo, mời nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu sâu về cây xanh đô thị... để xin ý kiến và có báo cáo đánh giá tổng quát, tổng thể việc trồng cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội, từ chủng loại cây đến các vị trí trồng cây...”, ông Công cho biết.
Còn theo TS, Kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn, trồng cây gì để phù hợp với không gian đô thị còn phụ thuộc vào từng tuyến phố. Ví như phố kinh doanh, trồng cây sẽ khác với phố có công trình văn hóa, công sở. Ngoài ra, việc trồng cây trong phố cổ còn phụ thuộc vào kích thước của vỉa hè; tỷ lệ giữa chiều rộng, chiều cao của cây với công trình xung quanh.
“Chiến lược 1 triệu cây xanh của Hà Nội đã thành công, Tuy nhiên, nhiều chủng loại cây được trồng tại những tuyến phố, vỉa hè hay dưới gầm cầu vượt đường sắt trên cao chưa phù hợp, do đó hiệu quả sử dụng chưa phát huy được tối đa. Thành phố cần nghiên cứu, lựa chọn loài cây cho phù hợp với không gian đô thị. Có những cây trước đây phù hợp nhưng vì sự thay đổi của môi trường, nhu cầu xã hội nên đến nay không còn phù hợp.
Do đó, cần mạnh dạn lựa chọn những cách làm mới hoặc loại bỏ cây không phù hợp với kích thước. Ví dụ, trên vỉa hè hẹp, đặc biệt trong khu phố cổ, cần chọn cây phù hợp để thay thế và điều này không chỉ đáp ứng cho cảnh quan mà cả vấn đề môi trường, an toàn cho người dân”, TS, Kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn nói.
Vân Khánh
Báo Lao động và Xã hội số 114