Tin từ Hà Nội mới cho biết, theo kết quả phân tích của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, trong tuần, duy nhất khu vực Tây Mỗ có 100% số ngày chỉ số AQI ở mức tốt; 4 khu vực có 6 ngày tốt, 1 ngày trung bình là: Mỹ Đình, Tân Mai, Kim Liên và Hoàn Kiếm.
Tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông là Minh Khai và Phạm Văn Đồng, trong tuần này, chỉ số AQI chủ yếu ở mức trung bình. Chỉ số AQI cao nhất tại 2 khu vực này lần lượt là 89 và 95.
Đối với trạm quan trắc nội đô đặt tại Hàng Đậu và Thành Công, chất lượng không khí thay đổi theo hướng xấu đi so với tuần trước đó. Đặc biệt, tại khu vực Hàng Đậu đã xuất hiện 1 ngày chỉ số AQI ở mức kém là 104, các ngày khác ở mức trung bình... Tuần trước đó, chỉ số AQI cao nhất tại khu vực này là 78 và ở mức trung bình.
Riêng ngày 23/8, chất lượng không khí duy trì ở mức tốt và trung bình. Lúc 13h, chỉ số AQI dao động ở ngưỡng 13-80 và không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố thời gian qua vẫn phụ thuộc lớn vào sự thay đổi của thời tiết. Trời mưa nhiều hoặc có gió, chất lượng không khí sẽ được cải thiện tích cực; trời âm u, độ ẩm cao, đứng gió, chất lượng không khí lại kém...
Do đó, yếu tố quan trọng nhất để cải thiện chất lượng không khí là hạn chế các nguồn thải gây ô nhiễm như: Người dân không đốt rác thải, không sử dụng than tổ ong trong đun nấu hằng ngày; cơ quan chức năng xử phạt nghiêm các công trình xây dựng gây bụi, bẩn, xe chở vật liệu xây dựng không che chắn, để rơi vãi ra đường; cảnh sát giao thông tăng cường điều tiết giao thông trong giờ cao điểm và ở những khu vực thường xuyên ùn tắc để hạn chế phát thải ra môi trường...
Chia sẻ với Giaoducthoidai, TS Lý Bích Thủy (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết những đánh giá về ảnh hưởng của thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19 đến chất lượng không khí bằng sử dụng dữ liệu trạm mặt đất và thông tin khí tượng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ảnh hưởng thời tiết lên nồng độ bụi mịn trên từng ngày là rất lớn. Nhất là nồng độ ô nhiễm trong thời gian cách ly giảm so với trước cách ly. Sự suy giảm này tương ứng với sự suy giảm của lưu lượng giao thông trong thời gian cách ly.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được đánh giá do nhiều nguyên nhân cộng hưởng gồm giao thông, xây dựng, sản xuất và các hoạt động dân sinh như đốt than tổ ong, đốt rác. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, các chất ô nhiễm khuếch tán lên cao giúp chất lượng không khí được cải thiện. Khi điều kiện thời tiết không thuận lợi, các chất ô nhiễm sẽ đọng lại và gây ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là mùa đông, khi hiện tượng nghịch nhiệt thường xuyên xảy ra.
Cùng cập nhật kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp quản lý chất lượng không khí tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) kết hợp với một số cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế đã thực hiện nghiên cứu "Tác động của nhiệt điện than tới CLKK và sức khỏe tại Việt Nam" từ 10/2018 đến tháng 6/2020. Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa môi trường (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, sự thay đổi công suất nhiệt điện than có tác động lớn tới lượng phát thải và nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí. Việc áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả kết hợp với năng lượng tái tạo, để giảm nhiệt điện than sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí…