Trong đó, công nghiệp khai khoáng đạt 50,7% so tháng trước và đạt 13% so cùng kỳ. Tuy nhiên, ngành khai khoáng trên địa bàn thành phố chiếm tỷ trọng không đáng kể, chủ yếu ở hoạt động khai thác cát, đá, sỏi và đá núi.
Tương tự, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 13,7% so tháng trước và tăng 4,8% so cùng kỳ; sản xuất và phân phối điên khí đốt, hơi nước giảm 0,2% và tăng 1,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác nước thải giảm 10,3% và giảm 3,5%.
Chỉ số sản xuất của các ngành công nghiệp chủ lực tuy có giảm so với tháng trước, song vẫn đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, một số ngành sản xuất có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung như:
Sản xuất trang phục tăng 7,7%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 16,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 23,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 4,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 12,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 8,7%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 19%...
Bên cạnh đó, một số ngành hàng sản xuất có chỉ số sản xuất giảm do yếu tố thời gian nghỉ Tết Nguyên đán tác động như: Dệt giảm 18,3%; sản xuất kim loại giảm 10,5%; sản xuất xe có động cơ giảm 12,3%...
Sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Hà Nội ước tình tháng 1 tăng so cùng kỳ như: Bia đóng chai tăng 2,6%; sổ sách, vở, giấy thếp tăng 17,5%; thuốc trừ sâu và các sản phẩm hóa chất khác dùng trong nông nghiệp tăng 20%; sản phẩm gia dụng và các sản phẩm phục vụ vệ sinh khác bằng sứ tăng 12,3%; bê tông trộn sẵn tăng 6%; tấm lợp bằng kim loại tăng 5,6%...
Một số sản phẩm giảm do chịu ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ và tác động bởi chu kỳ Tết như: Vải dệt kim hoặc móc khác giảm 20,1%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ giảm 3,8%; tủ lạnh, loại sử dụng trong gia đình giảm 21,4%.