Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, các doanh nghiệp cung ứng lớn đã dự trữ hàng hóa từ khá sớm, đồng thời chủ động nguồn cung sẵn sàng bổ sung, đưa hàng về Hà Nội khi nhu cầu tăng đột biến. Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp luôn bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày. Một số đơn vị bán lẻ lớn, như Tập đoàn Central Retail (quản lý hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (quản lý hệ thống các siêu thị Hapro, Intimex, SEIKA mart, BRG Mart…), Co.opmart... đã tăng lượng dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu từ 300% đến 500% so với bình thường.
Bà Trần Thị Phương Lan cho hay, thành phố đã lập các tổ nắm bắt thông tin thị trường hàng hóa, tổ điều phối hàng hóa; chủ động ký kết với các đơn vị phân phối để bảo đảm nhu cầu hàng hóa cho nhân dân; hỗ trợ cung cấp danh sách 2.156 địa điểm giúp các doanh nghiệp có thể mở thêm kho hàng dự trữ và bán lưu động khi cần thiết… Đồng thời, Hà Nội duy trì thường xuyên hoạt động của hệ thống thương mại gồm 142 siêu thị, 27 trung tâm thương mại, 1.700 cửa hàng tiện lợi, 455 chợ và 11.382 trang web, sàn thương mại điện tử...
Trong bối cảnh dịch COVID-19, Hà Nội đã triển khai sớm kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu. Theo đó, thành phố đẩy mạnh đa dạng hóa mạng lưới phân phối, bảo đảm hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, thuận lợi nhất; tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở sản xuất, phân phối tham gia chương trình tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; mở rộng nhóm hàng bình ổn thị trường gắn với kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh…
Các nhóm hàng trong chương trình bình ổn thị trường gồm: Lương thực; thịt gia súc, gia cầm; thủy hải sản, trứng, thực phẩm chế biến; rau củ quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị, sữa; nhóm hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, như bánh, mứt, kẹo, nước giải khát…