Hiện nay, dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đang triển khai khá chậm so với kế hoạch ban đầu. Theo đơn vị quản lý nguyên nhân chậm tiến độ là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi, cây xanh, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng các ga ngầm; công tác đấu thầu gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do các ràng buộc phức tạp quy chế đấu thầu của Nhà tài trợ; công tác quản lý tư vấn hợp đồng còn nhiều bất cập; kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ; vướng mắc kéo dài trong đấu thầu các gói thiết bị.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, các dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt đô thị là các dự án đặc biệt quan trọng mang tính cấp bách. Thành phố đang chịu sức ép về vấn đề ô nhiễm môi trường, giải quyết được vấn đề giao thông thì sẽ góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường. Vì vậy, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cần có phương án để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông
Hiện dự án có bốn đoạn tuyến được triển khai, nhánh 2A được 96%, còn đoạn Nhổn - ga Hà Nội được trên 30%. Nếu nỗ lực hết sức, cả bốn dự án này được triển khai thì đến năm 2020 mới có được 75km, chiếm 20% tổng số chiều dài tuyến, đến 2030 đáp ứng được 30%. Việc chậm tiến độ không chỉ do những nguyên nhân kể trên mà còn do sự thiếu chuyên nghiệp của cán bộ trong Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội và sự phối hợp giữa các đơn vị từ Ủy ban đến các sở, ngành và Ban chưa tốt dẫn đến việc giải quyết các công việc chưa nhanh.
Theo kế hoạch, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội có bốn dự án chuẩn bị đầu tư và ba dự án chuẩn bị báo cáo Quốc hội (tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Trần Hưng Đạo-Thượng Đình; đoạn Nội Bài-Nam Thăng Long; tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn ga Hà Nội-Hoàng Mai).
Bí thư Thành ủy đề nghị các đơn vị cần nhìn ra những hạn chế để khắc phục, các công việc cần kỹ càng chi tiết, phân công công việc cho từng người chịu trách nhiệm. Với những báo cáo chuẩn bị trình Quốc hội, Bí thư Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cần rà soát lại kỹ từng chi tiết, từng công đoạn sớm trình Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét duyệt, phối hợp với Bộ giao thông để làm trước khi trình Quốc hội. Bí thư Thành ủy cũng đề nghị Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cần nghiên cứu để đề xuất cơ chế đặc thù cho dự án; Ban chỉ đạo của Thành phố cần nghiên cứu tờ trình, trình Ban chỉ đạo của Trung ương để sớm có biện pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ.