Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa trình UBND thành phố chấp thuận chủ trương triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS) giai đoạn 1, thực hiện trong giai đoạn 2025-2027.
Theo đó, Sở đề xuất thành phố cho phép triển khai hệ thống ITS giai đoạn 1 trên địa bàn theo phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin, với chi phí hơn 392 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố thực hiện giai đoạn 1 (từ năm 2025-2027).
Số liệu cho thấy, số lượng phương tiện giao thông đường bộ tại Thủ đô là trên 7,8 triệu phương tiện các loại, chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn.
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2023 là trên 10% đối với ô tô và trên 3% đối với xe máy. Trong khi đó, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông đến nay mới đạt khoảng 12,13% dẫn đến hiện tượng quá tải trên các tuyến đường giao thông ở thành phố.
Trong giai đoạn đầu, Sở GTVT sẽ triển khai đề án thành lập Trung tâm quản lý và điều hành giao thông Hà Nội (trên nền tảng Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng hiện nay) để hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy triển khai thực hiện khai thác 9 chức năng ban đầu của hệ thống ITS.
Sở GTVT sẽ triển khai đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng trung tâm (tại số 1 Kim Mã), bao gồm: Cải tạo sửa chữa trụ sở; lắp đặt hệ thống máy chủ, hệ thống màn hình; hệ thống phần mềm lõi dùng chung; hệ thống phần mềm gắn với 9 chức năng khai thác giai đoạn đầu.
Đặc biệt, ITS còn bao gồm các thiết bị ngoại vi, trong đó có hệ thống camera (giám sát tốc độ; đo đếm lưu lượng; xử phạt giao thông); hệ thống bảng báo điện tử; hệ thống tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông; hạ tầng truyền dẫn.
Phạm vi thực hiện bên trong Vành đai 3, bao gồm: 55 nút giao trên các tuyến Vành đai 1, 2, 3 và các trục xuyên tâm tương ứng với số lượng thiết bị ngoại vi cần lắp đặt là 600 camera, 20 biển báo giao thông thông minh, 10 tủ điều khiển đèn tín hiệu thích ứng.
Các chức năng chính của hệ thống gồm: Giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý đỗ xe; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.
Trước đó, trả lời chất vấn trước HĐND Thành phố Hà Nội tại phiên họp cuối năm 2023, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cho biết, hiện thành phố có 550 nút điểm đèn tín hiệu, 605 camera.
Số camera chia làm hai loại, một loại chỉ đo lưu lượng giao thông trên đường, quan sát tổng thể; một loại có thể nhận diện hành động của người điều khiển phương tiện giao thông để xử lý vi phạm. Những hình ảnh camera ghi lại được kết nối về trung tâm chỉ huy của công an thành phố.
"Số camera, đèn tín hiệu ở Hà Nội chưa thấm vào đâu. Thời gian tới chúng tôi sẽ nâng cấp camera sẵn có, đồng thời tiếp tục triển khai các dự án về camera trên địa bàn", ông Nguyễn Hải Trung nói.
Còn theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường, tại 149 nút giao thông trên địa bàn thành phố được lắp đặt trên 600 camera. Nhưng do cũ và lạc hậu nên việc sử dụng hình ảnh từ camera này để phạt nguội rất ít, cơ bản dùng để giám sát giao thông.