Bên cạnh đó, mật độ các nhà cao tầng lớn của Hà Nội cũng là một trong những nguyên nhân hút gió, làm tăng tốc độ gió ở những khu vực gần nhà cao tầng. Đây là nguyên nhân bất khả kháng đối với hệ thống cây xanh Hà Nội đã trải qua nhiều năm không được quan tâm thích đáng, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội nói.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hưng, bên cạnh những nguyên nhân trên thì quá trình cải tạo, chỉnh trang vỉa hè Hà Nội trong thời gian qua như hạ ngầm hệ thống điện, cáp thông tin, cải tạo hệ thống thoát nước, cải tạo mặt hè, chỉnh trang đô thị đã xâm hại hệ thống rễ cây xanh của đường phố. Cây thường bị chặt đứt trong quá trình cải tạo, chỉnh trang vỉa hè. Ngoài ra, mực nước ngầm Hà Nội cao, ô nhiễm nước ngầm ngày càng tăng trong thời gian gần đây làm cho hệ thống rễ cây khó phát triển theo chiều sâu, cũng là nguyên nhân làm cây đổ.
Hàng nghìn cây xanh bị gãy, đổ do bão số 1. Ảnh Chu Lương
Hà Nội có nhiều nhà cao tầng nên không gian sống của cây xanh đường phố bị thu hẹp, cây thường có xu hướng nghiêng ra phía mặt đường để lấy ánh sáng. Đây là yếu tố gây nên các hiện tượng bị nghiêng, làm mất cân bằng giữa tán cây và hệ rễ cây là một trong các nguyên nhân làm cây đổ khi có gió bão, ông Hưng cho hay. Theo đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, nhiều cây xanh trên các tuyến phố đã được cắt tỉa đảm bảo kỹ thuật, giảm thiệt hại do cây đổ. Việc trồng cây của công ty và những đơn vị khác đều thực hiện theo đúng quy trình, sau đó chuyển giao cho đơn vị duy trì trong 5 năm, nếu đổ gẫy thì đơn vị tự chịu kinh phí, nhà nước không chịu kinh phí. Những cây bị bật gốc vừa qua, mới nhất cũng là những cây đã trồng cách đây khoảng 2 năm, còn những cây mới trồng trong thời gian gần đây thì không cây nào đổ.
Báo cáo của Sở Xây dựng TP Hà Nội cho thấy, số lượng cây gẫy đổ, nghiêng trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội sau bão số 1 là trên 2.965 cây, trong đó có 39 cây xà cừ đường kính lớn bị đổ ngang đường, cản trở giao thông hoặc đổ nghiêng đè vào nhà dân. Còn theo số liệu của công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, tính đến hết ngày 29/7, trên địa bàn 10 quận nội thành của Hà Nội (trừ 2 quận Hà Đông, Long Biên), đã có trên 1.400 trường hợp cây đổ và nhiều cành gãy. Trong đó, toàn bộ các cây có đường kính lớn, các cây có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân, các cây gây ảnh hưởng, cản trở giao thông đã được giải tỏa.
Về việc hàng nghìn cây xanh bị gãy đổ, trong đó có một số cây phát hiện còn nguyên bầu, ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đối với các đơn vị do Sở Xây dựng thực hiện đều theo đúng quy trình. Bầu chỉ cách mặt đất khoảng 5cm để đảm bảo cho cây hấp thụ chất dinh dưỡng được tốt nhất chứ không phải là trồng nông không đúng kỹ thuật.
Quy trình trồng cây bóng mát gồm có 7 bước, trong đó việc tháo bầu đối với loại bầu không tự tiêu: “Có 2 loại bầu gồm, loại tự tiêu và loại bầu làm bằng nilon thì không tự tiêu được. Hiện tại, để đảm bảo thống nhất về quy trình trồng cây bóng mát trên địa bàn TP Hà Nội, chúng tôi đang xin ý kiến của các chuyên gia, Học viện Nông nghiệp, Học viện Lâm nghiệp và trong thời gian tới sẽ ban hành”, ông Phong nói.