Theo đó, UBND TP chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị tập trung rà soát, nắm bắt tình hình Người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, người cao tuổi thuộc diện chính sách; vận động nguồn lực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, đảm bảo kinh phí ngân sách và vận động xã hội thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; phối hợp với các cơ sở y tế lập sổ theo dõi sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi; tiếp tục thực hiện Chương trình Mắt sáng cho người cao tuổi.
Tiếp tục thực hiện Đề án nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau và các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao của người cao tuổi ở cơ sở; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Người cao tuổi, chế độ chính sách đối với người cao tuổi ở các cấp; kịp thời khen thưởng, biểu dương, nhân rộng các gương điển hành làm tốt công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, đảm bảo 80% trở lên người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn (là người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người cô đơn không nơi nương tựa, người bị bệnh hiểm nghèo) được khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, cấp thuốc miễn phí và trợ giúp thông qua các hình thức khác.
Trước đó, năm 2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc triển khai thực hiện "Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025" trên địa bàn đến năm 2025.
Theo đó, đến năm 2025 có 90% người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe.
Ít nhất 85% người cao tuổi được khám sức khỏe thông thường định kỳ ít nhất một lần trở lên/năm; được tầm soát ung thư đại trực tràng, một số ung thư sớm thường gặp ở người cao tuổi và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe tại Trạm Y tế tuyến xã.
Mục tiêu tiếp theo là đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh của người cao tuổi với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp (tại các cơ sở y tế, tại nhà...).