Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hà Nội: Không có chuyện cầu Zét đầu tư 65 tỷ làm bằng cốt xốp

Được đầu tư gần 65 tỷ và đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng gần đây, nhiều thông tin cho rằng, cầu Zét, ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã xuất hiện nhiều vị trí hai bên thành cầu được làm bằng xốp. Tuy nhiên theo ghi nhận thực tế của PV, thì đây là các hộp điện kỹ thuật đang chờ hoàn thiện.

 

Cầu Zét bắc qua địa bàn xã Tốt Động và xã Hữu Văn của huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nhằm phục vụ nhu cầu qua lại của người dân trong vùng. 

Trong thời gian dài sử dụng cầu đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nên từ tháng 10/2013, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận kế hoạch chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng công trình cầu Zét.

Cầu Zét đang được hoàn thiện (Ảnh Chu Lương)

 Theo đó, cầu Zet sẽ được đầu tư xây dựng thành cầu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng cầu khoảng 65 tỷ đồng. Sở GTVT Hà Nội được giao làm chủ đầu tư dự án.

Cầu Zét mới được hoàn thành hứa hẹn sẽ đáp ứng nhu cầu lưu thông của các phương tiện, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông tại đây. Đồng thời, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo khớp nối đồng bộ với các tuyến đường trong khu vực, cũng như góp phần trong việc phát triển kinh tế - xã hội và an ninh trên địa bàn Hà Nội.

Tuy nhiên gần đây, mặc dù đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng có nhiều thông tin cho rằng cầu Zét đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường. Trên bề mặt cầu xuất hiện nhiều chỗ lồi lõm, nhiều vết nứt chạy dài, lan rộng ra xung quanh. Đặc biệt nghiêm trọng hơn, bên trong trụ hai bên thành cầu bị bục nát, lộ ra hàng chục miếng xốp dày khoảng 2-3cm được xếp thành hàng trước khi được phủ bê tông, khiến dư luận rất quan tâm với đầy nghi ngại. Nhiều nghi vấn được đặt ra về việc “làm sai quy trình, kỹ thuật, thậm chí là rút ruột công trình”. 

Sau khi thông tin được đăng tải, Ban quản lý dự án 2, cùng lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã cùng các đơn vị liên quan  đã trực tiếp có mặt tại cầu Zét để khảo sát và xác minh. Kết quả cho thấy, không có chuyện cầu được xây dựng bằng “bê tông cốt xốp”, mà thực chất đó là hộp chờ kỹ thuật để đấu nối các mố điện. 

Một trong các vị trí được cho rằng làm bằng xốp ((ảnh chu Lương)

Theo Biên bản ghi nhận hiện trường sáng 8/9, của Ban Quản lý dự án Giao thông 2 – Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị liên quan, hiện nay công trình cầu Zét chưa thi công hoàn thành (Còn một đoạn  tường chắn đường đầu cầu bên mố do nhân dân và địa phương đề nghị mở rộng đường gom dân sinh ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng đã duyệt 2,5m lên thành 4m, và thảm bê tông nhựa mặt cầu, đường hai đầu cầu, dự kiến trong tháng 9/2016, địa phương bàn giao mặt bằng vị trí bị vướng để hoàn thành công trình. Dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành dự án. Hiện công trình đang được thông tạm để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. 

Về thông tin có một số vị trí được làm bằng xốp, trao đổi với chúng tôi Nguyễn Mạnh Hùng (Giám đốc Ban Quản lý dự án Giao thông 2 – Sở GTVT Hà Nội) khẳng định, đây là các vị trí chân cột điện chiếu sáng, đây là biện pháp đặt chờ của nhà thầu, để sau này thi công hộp đấu nối điện có kích thước 0,2 x 0,3 x 0,2m theo thiết kế được duyệt, tránh phải đục phá bê tông làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình. 

Tuy nhiên, đơn vị thi công còn thiếu sót, là sau khi bê tông đủ cường độ phải hoàn thiện ngay, không được để lâu làm ảnh hưởng mỹ quan, làm dư luận hiểu nhầm

Còn đối với các khe có giãn có xốp, theo hồ sơ thiết kế đó là khe lún. Tất cả hạng mục bê tông thường có khe lún để tránh sự co cựa của kết cấu cứng. Biện pháp thi công của nhà thầu là đặt tạm lớp xốp ở giữa, khi cơ bản hoàn thành sẽ tẩy bỏ xốp đó ra, thi công theo đúng thiết kế được duyệt.

Theo ghi nhận của PV tại các vị trí bị nghi ngờ làm bằng cốt xốp, thì thực tế thông tin không đúng sự thật. Thực chất đây là các hộp kỹ thuật tại các trụ điện  được đơn vị thi công lắp tạm.

Tại một số vị trí chưa hoàn thiện, các thanh thép bị hoen ố, và có dấu hiệu ghỉ sét  (Ảnh Chu Lương)

Tuy nhiên, tại một số vị trí chưa hoàn thiện, các thanh thép bị hoen ố, và có dấu hiệu ghỉ sét do không được che chắn. Tại một số khe có giãn ở hai bên chân cầu có vết nứt chạy ngang được vá sơ sài.

Một số vết nứt chạy ngang bên hông chân cầu