Điểm tựa vững chắc
Không may bị khuyết tật vận động và khuyết tật trí tuệ, nhiều năm liền, cháu P.T.H (sinh năm 2005), ở xã Đông Quang (huyện Ba Vì) phải di chuyển bằng xe lăn, không thể đến trường. Điều đáng mừng, từ năm 2014 đến nay, H. cùng một số trẻ em khuyết tật khác trên địa bàn xã Đông Quang thường xuyên được hỗ trợ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, thông qua một dự án tài trợ của tổ chức phi chính phủ.
Anh Phan Hồng Trưởng, bố cháu H. chia sẻ: “Con tôi hiện đã biết đọc, biết viết, sử dụng điện thoại thông minh, tự tin hơn trong giao tiếp. Tôi tin trong tương lai, cháu có thể làm được một số công việc mang lại thu nhập”.
Là người tham gia hỗ trợ việc học tập của trẻ em khuyết tật tại gia đình, chị Nguyễn Thị Thoa, giáo viên Trường Tiểu học Đông Quang cho biết, đối với trẻ có thể nhận thức, sự kiên trì tác động, hỗ trợ từ gia đình và những người xung quanh sẽ từng bước “đánh thức” khả năng ở trẻ.
Từ trải nghiệm của bản thân, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art, phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) Lê Việt Cường cho rằng, gia đình và cộng đồng là môi trường tốt nhất để trẻ em khuyết tật phục hồi chức năng. Nếu được phát hiện sớm, hỗ trợ điều trị bệnh, can thiệp phục hồi chức năng kịp thời, đa số trẻ em khuyết tật có thể vượt lên số phận, hoàn cảnh để sống cuộc đời ý nghĩa.
Còn theo Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội Dương Thị Vân, các chương trình, hoạt động hỗ trợ người khuyết tật nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng dựa vào cộng đồng đã, đang phát huy hiệu quả. Chẳng hạn, đề án “Lồng ghép hòa nhập người khuyết tật trong các phòng, chống rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”, hay hoạt động hỗ trợ trẻ khuyết tật qua mô hình “Câu lạc bộ cha mẹ trẻ khuyết tật”... được nhiều bên cùng tham gia, tạo điểm tựa vững chắc cho trẻ em khuyết tật vươn lên.
Chung tay với nhiều giải pháp trợ giúp
Hiện tại, Hà Nội có hơn 100.000 người khuyết tật, trong đó trẻ em khuyết tật chiếm khoảng 14%. Thông qua nhiều giải pháp trợ giúp kịp thời, đại đa số gia đình có thành viên là người khuyết tật không còn phải sống trong cảnh nghèo; 100% trẻ em khuyết tật trong độ tuổi đi học đều được miễn học phí. Những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên tại các trung tâm bảo trợ xã hội.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Vũ Thị Minh Tuyết, việc phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho trẻ em khuyết tật có chỗ, có nơi còn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Một số gia đình có thành viên là người khuyết tật chưa biết cách quan tâm, chăm lo, hỗ trợ con em mình thế nào cho phù hợp; nguồn lực hỗ trợ trẻ em khuyết tật còn thiếu...
Trước thực trạng này, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Thanh Trì Nguyễn Châu Loan đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức tập huấn, trang bị kỹ năng, xây dựng chương trình can thiệp cho gia đình có trẻ khuyết tật. Cùng với đó, chú trọng khảo sát, sàng lọc, phát hiện sớm trẻ khuyết tật, đánh giá mức độ, phân loại từng dạng tật, làm căn cứ triển khai các giải pháp trợ giúp phù hợp. Còn Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa mong muốn, thành phố quan tâm mở rộng dịch vụ trợ giúp xã hội cho các trường hợp yếu thế, trong đó có trẻ em khuyết tật.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội Dương Thị Vân thông tin, Hội đang phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương huy động nhiều nguồn lực để triển khai hoạt động hỗ trợ trẻ em khuyết tật trong các lĩnh vực, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ có thể phục hồi chức năng. Nổi bật là mô hình “Câu lạc bộ cha mẹ trẻ khuyết tật” hiện đã được triển khai tại 10/30 quận, huyện, thị xã...
UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình số 252/CTr-UBND Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình). Chương trình thúc đẩy thực hiện Luật Người khuyết tật nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ em khuyết tật (từ 0 đến 16 tuổi), tạo điều kiện để trẻ em khuyết tật được tham gia vào các hoạt động xã hội. Cũng như, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của trẻ khuyết tật và hỗ trợ trẻ khuyết tật góp phần hoàn thành chỉ tiêu của Chương trình số 08-Ctr/TU “100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp”, tăng cơ hội để trẻ khuyết tật sớm được phục hồi chức năng tại địa phương và hòa nhập cộng đồng. UBND TP Hà Nội đặt ra mục tiêu nâng cao nhận thức cho 90% người dân, cán bộ địa phương, cộng tác viên về vai trò của phát hiện sớm và can thiệp sớm đối với trẻ khuyết tật. Có ít nhất 80% trẻ khuyết tật và gia đình có trẻ khuyết tật được cung cấp tài liệu, tham gia tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng tại cộng đồng.