Thời gian qua, tình hình sạt lở công trình đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn biến khó lường. Không chỉ xảy ra sạt lở vào mùa mưa, mà mùa khô cũng tiềm ẩn những sự cố về công trình đê điều. Thực trạng này đang đặt ra vấn đề cấp bách trong việc triển khai các giải pháp phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn, vững vàng công trình đê điều phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Hiện TP. Hà Nội có tổng số hơn 626km đê được phân cấp, trong đó, có hơn 37,7km đê hữu Hồng thuộc các quận khu vực nội thành là đê cấp đặc biệt; gần 249,2km đê cấp I; 45km đê cấp II; gần 72,2km đê cấp III; 160km đê cấp IV.
Hai bên tuyến đê sông Hồng được ví như thành trì vững chắc để bảo vệ Thủ đô Hà Nội trong mùa mưa bão. Trải qua năm tháng, được sự quan tâm đầu tư, tuyến đê này cơ bản bảo đảm phòng, chống lũ theo thiết kế. Song do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mực nước sông thường xuyên có sự chênh lệch rất lớn giữa hai mùa (mùa lũ và mùa kiệt), cộng với những tác động của việc điều tiết hồ chứa phía thượng nguồn đã gây ra hiện tượng sạt lở bờ, bãi sông, công trình đê điều phía hạ du diễn biến ngày càng phức tạp.
Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố phát sinh 7 sự cố về kè, 17 sự cố về đê (trong đó có 3 sự cố đê cấp 4; 2 sự cô đê cấp V), 3 sự cố về bờ bãi sông và 1 sự cố điềm canh đê, các sự cố đã được phát hiện sớm qua công tác thường xuyên kiểm tra theo dõi và báo cáo đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND Thành phố xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, qua kiểm tra, trong 9 tháng, đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 63 vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Các cơ quan chức năng đã xử lý 19 vụ vi phạm (trong đó 27 vụ của các năm trước, 12 vụ của 9 tháng đầu năm 2022), số vụ vi phạm của 9 tháng đầu năm còn tồn đọng là 51 vụ.
Để xử lý triệt để các hành vi vi phạm trên, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTTNT Hà Nội 60 văn bản liên quan đến công tác quản lý, đôn đốc xử lý vi phạm; và tham mưu 81 văn bản khác liên quan đến công tác quản lý đê điều. Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đã ban hành 113 văn bản liên quan đến công tác báo cáo, đôn đốc xử lý giải tỏa vĩ phạm Luật Đê điều và 274 văn bản liên quan đến công tác quản lý đê điều trên địa bàn Thành phố.
Để bảo đảm tính mạng và tài sản của người dân trong vùng bị sạt lở, thời gian qua, đã có rất nhiều giải pháp được thành phố Hà Nội triển khai để xử lý tình trạng sạt lở công trình đê điều, từ việc di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm tới nơi an toàn đến việc triển khai các biện pháp phi công trình và công trình và đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tuy nhiên, từ thực trạng công trình đê điều hiện nay và những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bão, áp thấp nhiệt đới được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến ngày càng cực đoan, đang đặt ra vấn đề cấp bách trong việc triển khai các giải pháp phòng, chống sạt lở của Hà Nội.
Nhằm đảm an toàn công trình đê điều, đi đôi với tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo, trong đó có việc cắm biển cảnh báo sạt lở, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND thành phố các khu vực, vị trí bị sạt lở nguy hiểm để công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông theo quy định. Mặt khác, trên cơ sở khảo sát, Sở NN&PTNT cũng đã tham mưu UBND thành phố quan tâm đầu tư một số công trình đê điều trọng điểm, đặc biệt là các khu vực sạt lở trên sông Đuống, sông Hồng, sông Cầu do ảnh hưởng của chế độ thủy lực, thủy văn phức tạp đã tác động khiến thường xuyên xảy ra sự cố, hư hỏng…
Song song với các giải pháp của các ngành chức năng trong việc phòng, chống sạt lở công trình đê điều thì cũng đòi hỏi người dân cần tích cực tham gia vào công tác này, đặc biệt là không xây dựng công trình trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình đê điều, góp phần ngăn ngừa nguy cơ sạt lở xảy ra.