Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hà Nội: Lao động thất nghiệp giảm

Theo đánh giá cúa Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội (TTGTVL HN), thị trường lao động việc làm Hà Nội đang có dấu hiệu tích cực. Tại các phiên giao dịch việc làm, nhiều vị trí việc làm với mức lương hấp dẫn đang chờ người lao động (NLĐ). Số NLĐ đến đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp có giảm hơn so với trước.

 

Theo thông kê của TTGTVLHN, tại mỗi phiên giao dịch việc làm của TTGTVL HN (2 phiên/tuần), số NLĐ đến tìm việc làm khoảng 1000 NLĐ, chủ yếu là lao động phổ thông đến tìm việc làm thời vụ. Tuy nhiên, số cử nhân mới ra trường chưa có việc làm đến tìm việc tại các phiên giao dịch vẫn chiếm đến 30%. Nhiều cử nhân chấp nhận làm nhân viên bán hàng siêu thị, trung tâm thương mại, bán quần áo, hàng ăn… để chờ cơ hội việc làm tốt hơn. Vấn đề cử nhân thất nghiệp do thừa lý thuyết, thiếu thực hành nên không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp đã được đề cập nhiều và trở thành bất lợi cho nhiều tân cử nhân khác khi doanh nghiệp chú trọng NLĐ có tay nghề hơn.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc TTGTVL Hà Nội cho biết, trong mỗi phiên giao dịch việc làm, TT luôn hỗ trợ tư vấn tìm việc cho các cử nhân để đỡ lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, luôn thay đổi phương thức tổ chức để sát với nhu cầu thực tế của NLĐ và doanh nghiệp. Các phiên giao dịch theo chuyên đề như việc làm cho bộ đội xuất ngũ; phiên lồng ghép tuyển dụng lao động khuyết tật; việc làm cho lao động trở về từ Hàn Quốc; chuyên đề bán lẻ- maketing … tạo được hiệu ứng tốt cho NLĐ. Các doanh nghiệp cũng vì thế đã tìm được nhiều ứng viên có kinh nghiệm trong các phiên giao dịch này.

 

:                 Lao động đăng ký tìm việc sàn giáo dịch việc làm Hà Nội

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2015, có 1063 NLĐ đăng ký thất nghiệp, 5790 NLĐ nộp hồ sơ nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, tính trung bình mỗi tháng có xấp xỉ 2000 NLĐ thất nghiệp,  thấp hơn nhiều so với sự khủng hoảng của năm 2014 với tháng cao nhất lên đến 3600 NLĐ thất nghiệp (tương đương với 900 NLĐ thất nghiệp mỗi tuần). Điều này cho thấy thị trường việc làm đang ở mức ổn định, không có tình trạng khủng hoảng thiếu việc làm, thiếu nhân công.

Các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp- chế xuất cho biết, những tháng đầu năm hầu hết NLĐ đều quay trở lại làm việc, chỉ có khoảng 3-4% NLĐ không đi làm tiếp, khác hẳn với tình trạng năm 2012, 2013, 2014, NLĐ nghỉ việc hàng loạt do muốn “nhảy việc”, do không muốn trở lại thành phố làm việc…. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng thu hút NLĐ bằng các cuộc phát động thi đua, cổ vũ, động viên NLĐ nâng cao năng suất lao động, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng quy mô thực hiện các đơn hàng. Quan hệ lao động giữa doanh nghiệp và NLĐ đã được cải thiện hơn khi doanh nghiệp biết sử dụng NLĐ đúng người, đúng việc, mức lương tương xứng. Theo đánh giá, đây cũng là cách để doanh nghiệp “giữ chân” NLĐ. NLĐ được cải thiện thu nhập và đời sống, mức lương ổn định, được hứa hẹn sẽ tăng lương theo quy định nên không có tư tưởng chuyển đến chỗ làm khác lương tốt hơn.

Theo đánh giá các chuyên gia việc làm, năm 2015 được đánh giá là năm phục hồi kinh tế nên thị trường lao động việc làm sẽ sôi nổi hơn khi cung đủ đáp ứng cho cầu lao động và ngược lại. Hơn nữa, những quy định mới của Chính phủ về việc làm cũng sẽ siết chặt tình trạng các “trung tâm việc làm ma” lừa đảo NLĐ, các cơ hội về việc làm tốt hơn cho NLĐ sẽ ngày càng rộng mở. Đó là quy định tại Nghị định 196/2013/NĐ-CP và 52/2014/NĐ-CP về hợp đồng dịch vụ việc làm.

Từ ngày 10-4 tới tất cả các trung tâm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm (DVVL) phải theo dõi tình trạng việc làm của NLĐ; ký hợp đồng dịch vụ phải đảm bảo các nội dung: tên, địa chỉ liên hệ của các bên; giá trị hợp đồng, phương thức thanh toán; nội dung cụ thể của DVVL cung cấp (số lượng, chất lượng...); phương thức thực hiện hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện dịch vụ…Các Trung tâm DVVL có trách nhiệm theo dõi tình trạng việc làm của NLĐ do Trung tâm giới thiệu hoặc cung ứng trong thời gian NLĐ thực hiện hợp đồng lao động mùa vụ, hợp đồng lao động theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Với hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ thời gian 12 tháng trở lên thì theo dõi tình trạng việc làm của NLĐ trong thời gian 12 tháng.