Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Văn hóa - Giải trí

Hà Nội lên kế hoạch cho 13 ngày lễ, sự kiện lớn trong năm 2024

Mai Châm
Mai Châm

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội yêu cầu, các hoạt động kỷ niệm, chào mừng; các sự kiện phải được tiến hành đồng bộ, thống nhất, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-SVHTT về công tác thông tin, trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của đất nước, Thủ đô trong năm 2024.

pho-ta-hien-5-1682866798710-1698481657000.jpg
Du khách trên phố Tạ Hiện, Hà Nội (Ảnh: Toàn Vũ).

Các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng  của đất nước, Thủ đô năm 2024 là:

- Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2024) và mừng Xuân Giáp Thìn 2024;

- Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024);

- 138 năm Ngày Quốc tế lao động 1/5 (1/5/1886-1/5/2024);

- Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024);

- Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2024);

- Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024);

- Kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024);

- Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024);

- Kỷ niệm 52 năm Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không (1972-2024) và kỷ niệm 78 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2024);

- Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và kỷ niệm 35 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2024);

- Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2024) và Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;

- Các hoạt động Chào năm mới 2025 (Tết Dương lịch);

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm năm tròn ngày sinh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước các sự kiện đột xuất theo phân công, chỉ đạo.

Công tác thông tin, trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan bao gồm: công tác thông tin tuyên truyền (trên Cổng Thông tin điện tử Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; bản tin Văn hóa Hà Nội; bài phát thanh); công tác cổ động trực quan (sáng tác, thiết kế các mẫu tuyên truyền; trang trí tuyên truyền trên hệ thống pano, băng rôn dọc, hệ thống cột cờ, giá cờ, cụm cờ, đảo cờ; trang trí chiếu sáng mỹ thuật); công tác tổ chức triển lãm ảnh; công tác tổ chức tuyên truyền lưu động; công tác tập huấn, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai công tác tuyên truyền trên địa bàn các quận, huyện, thị xã; công tác tập huấn cho cán bộ văn hóa cơ sở; tham gia Hội thi tuyên truyền toàn quốc do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) tổ chức…

Thông qua các hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, truyền thống lịch sử, văn hóa; bồi dưỡng và phát huy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế nhằm góp phần củng cố và bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa...

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội yêu cầu: Các hoạt động kỷ niệm, chào mừng; các sự kiện phải được tiến hành đồng bộ, thống nhất, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương. Đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm bố trí nguồn kinh phí , chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan trên địa bàn đảm bảo trang trọng, đúng quy định.

Tại Kế hoạch số 36/KH-SVHTT, Sở này đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã gửi kế hoạch trước đợt tuyên truyền 5 ngày và gửi báo cáo sau khi kết thúc đợt tuyên truyền 3 ngày về Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (qua Phòng Quản lý Văn hóa và Trung tâm Thông tin Triển lãm Hà Nội) để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.