Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hà Nội nâng cao chỉ số hạnh phúc nhân dân: Không để ai bị bỏ lại phía sau

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Hà Nội đã phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.

Tiếp sức người lao động

Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một trong các trụ cột chính để giảm nghèo bền vững, Hà Nội đã luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm việc làm cho người lao động (NLĐ) nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 124.920/165.000 lao động, đạt 75,7% kế hoạch năm, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Hà Nội nâng cao chỉ số hạnh phúc nhân dân: Không để ai bị bỏ lại phía sau - 1
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản tặng quà thương binh, huyện Mê Linh nhân kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô.

Trong đó, có khoảng 37.300 lao động được giải quyết việc làm thông qua vay vốn từ nguồn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác với số tiền 2.130 tỷ đồng.

Cùng với đó, có trên 2.200 NLĐ được đưa đi làm việc ở nước ngoài, hơn 76.600 người được cung ứng giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp và số còn lại thông qua các hình thức khác.

Bên cạnh công tác giải quyết việc làm cho NLĐ, trong 6 tháng đầu năm, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 35.922 trường hợp, với số tiền hỗ trợ 1.088 tỷ đồng.

Số lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2023. 100% trường hợp đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tư vấn việc làm mới, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho 385 người, với số tiền 1,5 tỷ đồng.

Nhằm thúc đẩy thị trường lao động phát triển bền vững, thành phố đã thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động đồng bộ từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã theo hướng hiện đại, tạo thuận lợi trong việc kết nối cung - cầu lao động của Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và các địa phương khác trên cả nước; hiện đại hóa hoạt động của hệ thống Sàn giao dịch việc làm Hà Nội.

Đặc biệt, hoạt động cung cấp thông tin thị trường lao động tại các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, phiên giao dịch việc làm lưu động tại quận, huyện đã giúp đưa thông tin về cầu lao động đến trực tiếp với đối tượng cụ thể, để NLĐ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, đồng thời giúp các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng được lao động.

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, toàn thành phố đã thẩm định và phê duyệt hỗ trợ cho 2.610.829 lượt đối tượng với kinh phí 2.659,769 tỷ đồng; 100% số đối tượng được phê duyệt đã được nhận hỗ trợ.

Hà Nội nâng cao chỉ số hạnh phúc nhân dân: Không để ai bị bỏ lại phía sau - 2
Phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội phát huy vai trò cầu nối an sinh giữa NLĐ và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ, đã tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ hỗ trợ cho 417.000 lao động của gần 14.000 doanh nghiệp với số tiền 219 tỷ đồng. Thành phố đã giải quyết hơn 23.500 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi NCC và thân nhân NCC với cách mạng với số tiền 85,5 tỷ đồng.

Chăm lo cho người nghèo

Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho NLĐ, những năm qua, Hà Nội đã xây dựng nhiều chính sách đặc thù, ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn xã hội hóa để bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội.

Đáng chú ý, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.

Đây là chương trình hoàn toàn mới so với các nhiệm kỳ trước nhằm hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội 17 Đảng bộ thành phố.

Hà Nội nâng cao chỉ số hạnh phúc nhân dân: Không để ai bị bỏ lại phía sau - 3
Thời điểm đại dịch Covid-19, với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, nhiều người dân Hà Nội đã tổ chức hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình tập trung giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và quản trị xã hội. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng sống nhân dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn.

Với các chủ trương và bước đi đúng đắn, hiệu quả, đến nay các hoạt động an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho người nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn Thủ đô được triển khai ngày càng bài bản, hiệu quả.

Hiện Hà Nội có gần 800.000 NCC và thân nhân NCC với cách mạng, trong đó khoảng 80.000 người hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Trong 6 tháng đầu năm nay, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 5.200 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi NCC và thân nhân NCC, với tổng kinh phí 1.252 tỷ đồng, trong đó thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 1.094 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần 88 tỷ đồng; chi điều dưỡng NCC 35 tỷ đồng. 

Cũng trong thời gian này, thành phố đã khởi công xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 686 hộ nghèo, cận nghèo tại 15 huyện, thị xã, đạt 94,7% kế hoạch năm, trong đó 272 nhà đã hoàn thành với tổng số tiền giải ngân 30,8 tỷ đồng. 

Từ năm 2022, một số trường hợp đặc biệt còn được hỗ trợ theo chính sách đặc thù để có mức sống trên mức chuẩn nghèo. Theo đó, đối với trường hợp trẻ em dưới 15 tuổi, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ có mức hỗ trợ hàng tháng là 2 triệu đồng/người đối với khu vực nông thôn; 2,5 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị.

Đối với trường hợp người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ sẽ nhận mức hỗ trợ hàng tháng là 440.000 đồng/người. Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT theo diện hộ gia đình cho thành viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo đồng thời thoát cận nghèo, thành viên hộ cận nghèo được công nhận thoát cận nghèo.

Hỗ trợ 100% số tiền đóng học phí cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông là thành viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo trở thành hộ cận nghèo. Từ năm 2023, thành phố đã nâng mức quà đối với hộ nghèo từ 300.000 đồng/hộ lên mức 500.000 đồng/hộ.

Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thành phố đã tặng hơn 2,2 triệu suất quà cho đối tượng chính sách ưu đãi, NCC, hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, công nhân, viên chức lao động đã nghỉ hưu, mất sức với tổng số tiền 1.033 tỷ đồng;

Đạt 186,5% kế hoạch tặng quà của thành phố, tăng 198,6 tỷ đồng, tương đương tăng 23,8% so với kết quả tặng quà Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đến nay, toàn thành phố có trên 203.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với tổng kinh phí chi trả 6 tháng đầu năm  là 896,9 tỷ đồng.

Thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 3.020 đối tượng bảo trợ xã hội là người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng và các đối tượng bảo trợ xã hội khác tại các cơ sở trợ giúp xã hội của thành phố với mức trợ cấp nuôi dưỡng thấp nhất là 1,8 triệu đồng/người/tháng và chi khác 350.000 đồng/tháng.

Bên cạnh đó, chính sách BHXH, BHYT tiếp tục được thành phố thực hiện hiệu quả với số người tham gia tăng nhanh qua các năm và dần trở thành trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội.

Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT của thành phố đạt 93,1% số dân (tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022), BHXH bắt buộc chiếm 42% lực lượng trong độ tuổi lao động và gần 76.800 người tham gia BHXH tự nguyện.

Thành phố cũng đặc biệt chú trọng công tác chăm lo cho người nghèo và vùng dân tộc thiểu số. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo, thành phố đã ban hành chuẩn nghèo riêng cao gấp 1,6 lần so với chuẩn nghèo quốc gia.

Tổng kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2022 - 2025 của thành phố được phê duyệt dự kiến là 1.587 tỷ đồng. Mặt trận các cấp trên địa bàn Hà Nội đã hỗ trợ xây mới 9.078 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 3.900 nhà đại đoàn kết…

Châu Anh (Còn nữa)

Báo Lao động và Xã hội số 121