Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của thành phố hiện nay là ngăn chặn các ca nhiễm SARS-CoV-2 xâm nhập, nhưng đồng thời không để xảy ra "ngăn sông cấm chợ"
Theo đó, Hà Nội sẽ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc đối với tất cả những người đến từ TP. Hồ Chí Minh và các vùng dịch, lập tức khai báo với chính quyền địa phương; UBND các xã, phường, thị trấn ra quyết định và giám sát việc cách ly tại nhà 14 ngày theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Thời điểm bắt đầu thực hiện từ 0h ngày 13/7/2021.
Cùng từ mốc thời gian này, Hà Nội dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 gồm nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Thành phố đồng thời thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, đây là những biện pháp cần thiết, kịp thời với quyết tâm nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, bảo vệ an toàn và sức khoẻ nhân dân. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, các biện pháp mạnh này chỉ thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả nếu được thực hiện tốt và duy trì liên tục từ cơ sở.
Chủ tịch UBND Hà Nội đề nghị, mỗi người dân từ TP. Hồ Chí Minh hoặc các vùng dịch khác hoặc có tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp nêu trên chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch vì an toàn, sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng. Trước khi vào thành phố, người dân nên chủ động khai báo đầy đủ, trung thực qua website www.tokhaiyte.vn hoặc qua ứng dụng Ncovi, Bluezone để vừa đỡ tốn thời gian chờ đợi, vừa tránh ùn tắc giao thông, tránh tập trung đông người tại các điểm chốt kiểm dịch cửa ngõ thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: "Hiệu quả phòng, chống dịch hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào việc ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập. Tôi mong rằng, các cấp, các ngành và người dân cùng coi trọng và tập trung thực hiện nhiệm vụ ưu tiên này. Thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, nhưng ý thức trách nhiệm và sự chủ động thực hiện của cơ sở, sự ủng hộ của người dân mới quyết định hiệu quả".
Chi tiết 22 chốt kiểm soát:
(1) Từ tỉnh Hà Nam về Hà Nội, tuyến QL 1A, 1B:
Chốt 1: ngã ba cầu Giẽ (Km 213 QL 1A) huyện Phú Xuyên.
Chốt 2: Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Km 188), huyện Thanh Trì.
Chốt 3: QL 21B - ngã 3 chợ Dầu, huyện Ứng Hòa.
(2) Từ tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang về Hà Nội theo tuyến QL 5, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn:
Chốt 4: QL 5 (cây xăng Vĩnh An, số 1051 Nguyễn Đức Thuận, Trâu Quỳ), huyện Gia Lâm.
Chốt 5: cầu Phù Đổng - cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, huyện Gia Lâm.
Chốt 6: đê Bát Tràng - gầm cầu vượt Thanh Trì, huyện Gia Lâm.
Chốt 7: gầm cầu Thanh Trì - lối đi Ecopark, quận Long Biên.
Chốt 8: nút giao QL 5B - Cổ Linh, quận Long Biên.
Chốt 9: đường Đặng Phúc Thông (trước cơ sở đăng ký xe số 3 - Phòng CSGT).
Chốt 10: Km 8 + 100 QL 18, lối xuống đường Võ Nguyên Giáp, huyện Sóc Sơn.
Chốt 11: QL 18 - lối xuống đường Võ Văn Kiệt, huyện Sóc Sơn.
(3) Từ tỉnh Hòa Bình về Hà Nội:
Chốt 12: Km 422 + 057 đường Hồ Chí Minh, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ.
Chốt 13: chốt kiểm dịch huyện Chương Mỹ (chốt cũ), Km37 QL6.
Chốt 14: đường Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam - cao tốc Hà Nội - Hòa Bình, huyện Thạch Thất.
(4) Từ tỉnh Phú Thọ về Hà Nội:
Chốt 15: đầu cầu Đông Quan - đường 87A, huyện Ba Vì.
Chốt 16: đầu cầu Văn Lang - QL 32, huyện Ba Vì.
Chốt 17: đầu cầu Trung Hà - QL 32, huyện Ba Vì.
(5) Từ tỉnh Vĩnh Phúc về Hà Nội:
Chốt 18: đầu cầu Vĩnh Thịnh - QL 32, thị xã Sơn Tây.
Chốt 19: trạm soát vé BOT QL 2, huyện Sóc Sơn.
Chốt 20: QL2 - đầu vào cao tốc Hà Nội - Lào Cai, huyện Sóc Sơn.
Chốt 21: đường Trung tâm hành chính huyện Mê Linh nối QL 2 (đường 100).
(6) Từ tỉnh Thái Nguyên về Hà Nội:
Chốt 22: QL 3 - ngã ba Nỉ, huyện Sóc Sơn.