Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hà Nội ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng có biểu hiện "ngáo đá"

Căn cứ vào Hướng dẫn số 22 (Hướng dẫn tạm thời về tiêu chí, trình tự, thủ tục xác định đưa vào diện quản lý và biện pháp xử lý đối với người sử dụng trái phép ma túy tổng hợp (MTTH) dẫn đến suy giảm nhận thức, rối loạn loạn thần trên địa bàn) do Công an TP. Hà Nội ban hành ngày 11/6/2020, công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã đã chủ động kiểm danh, kiểm diện, quản lý chặt chẽ số người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy ở ngoài cộng đồng, đặc biệt là số sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá” và đề ra biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp, kịp thời.

Hà Nội: Ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng có biểu hiện 'ngáo đá' - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tính đến ngày 14/6/2021, toàn thành phố Hà Nội có trên 17.600 người nghiện và người sử dụng ma túy có trong danh sách quản lý, gần 70% người nghiện đang ở ngoài cộng đồng.

Công an TP. Hà Nội cũng đã bổ sung mới 326 đối tượng vào danh sách quản lý để chủ động đánh giá biểu hiện, diễn biến hoạt động, qua đó tiến hành phân loại, đề xuất chuyển loại, đưa đối tượng ra khỏi diện quản lý theo tiêu chí cụ thể, không để đối tượng ở ngoài cộng đồng gây ra vụ việc phức tạp khiến dư luận bức xúc. Các lực lượng đang quản lý 4 đối tượng "ngáo đá", lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc đối với 42 trường hợp, vận động 95 trường hợp có nguy cơ "ngáo đá" đi cai nghiện.

Trong thời gian tới, công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn Hà Nội tiếp tục thực hiện Hướng dẫn số 22 gắn với đánh giá kết quả, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để khắc phục. Trước mắt phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, bổ sung hướng dẫn về việc phát hiện sớm đối tượng có biểu hiện rối loạn thần kinh cấp tính để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn họ gây ra hành vi nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng. Rà soát, đối chiếu danh sách bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I để bổ sung, đưa vào danh sách quản lý đối tượng có biểu hiện "ngáo đá".

Đồng thời đẩy mạnh công tác nắm tình hình địa bàn, xử lý nghiêm hành vi mua bán, tàng trữ, chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép ma túy. Rà soát, đưa vào danh sách quản lý toàn bộ đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện và nguy cơ "ngáo đá", theo dõi di biến động, biểu hiện hành vi để có biện pháp giải quyết với từng trường hợp cụ thể. Đối tượng có biểu hiện loạn thần, hoang tưởng cần nhanh chóng cách ly ra khỏi cộng đồng, không để gây ra hành vi vi phạm pháp luật.

Phối hợp với các đơn vị trong công tác quản lý hành chính về an ninh trật tự, tuần tra kiểm soát địa bàn, đồng thời vận động nhân dân phát hiện, tố giác đối tượng có biểu hiện "ngáo đá" để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Thường xuyên gọi hỏi, răn đe, giáo dục, cảm hóa đối tượng; thu thập tài liệu để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Bên cạnh đó, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân thành phố đưa ra xét xử điểm vụ án do đối tượng có biểu hiện "ngáo đá" gây ra nhằm răn đe, phòng ngừa chung. Phối hợp với ngành y tế chẩn đoán, xét nghiệm phân loại, theo dõi, lập hồ sơ quản lý để phòng ngừa, ngăn chặn người sử dụng MTTH có hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội...