Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Hà Nội: Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả

Thay vì sản xuất manh mún nhỏ lẻ, phụ thuộc và thời tiết, tại Hà Nội, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã được áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sự phát triển của Hợp tác xã Hoa, cây cảnh Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) là một minh chứng rõ nét về sự chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất truyền thống sang mô hình công nghệ cao. Giám đốc Hợp tác xã Hoa, cây cảnh Thụy Hương Nguyễn Duy Năm cho biết, hiện nay, hợp tác xã có hơn 10ha trồng các loại hoa, cây cảnh, trong đó lan hồ điệp là loài hoa chủ lực với 90.000 cây được bán ra thị trường mỗi năm.

Hà Nội: Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả - Ảnh 1.

Chăm sóc rau thủy canh tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì).

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người chơi hoa Hà Nội, hợp tác xã đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cụ thể là xây dựng hệ thống nhà kính, nhà lưới rộng hơn 1.000m2; lắp đặt hệ thống điều hòa, máy điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng để hoa nở vào đúng dịp lễ, Tết. Nhờ đó, mô hình đã mang lại thu nhập cho hợp tác xã từ 1,8 đến 2 tỷ đồng/năm/ha. Trước đây cũng vùng đất này, nông dân trồng lúa, hoa màu cho thu nhập chỉ khoảng 100-150 triệu đồng/ha/năm.

Tương tự, từ việc áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất (chuyển giao từ các chuyên gia Hà Lan và Học viện Nông nghiệp Việt Nam), mô hình trồng măng tây của người dân xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên) đã mang lại thu nhập tiền tỷ cho chủ vườn mỗi năm. Ông Lê Đức Trịnh, Giám đốc Hợp tác xã Rau, quả Hồng Thái cho hay, được trồng với diện tích 3ha, trong đó có 1,2ha trồng trong nhà kính, năng suất cây măng tây hiện đạt 3kg/sào/ngày. Hiện giá bán măng tây xanh là 90.000 đồng/kg và măng tây trắng 150.000 đồng/kg. Như vậy, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi khoảng 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 10 lần so với trồng ngô. 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành, với việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đến nay, trên địa bàn huyện đã có 27 mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở các xã như: Sơn Hà, Nam Phong, Hồng Thái, Khai Thái..., cho thu nhập đạt 1-2 tỷ đồng/ năm/mô hình, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, hiện Hà Nội có 129 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, ngoài ra còn một số mô hình công nghệ cao do các hợp tác xã và cá nhân triển khai thực hiện. Dù giá thành cao hơn nông sản sản xuất đại trà khoảng 20-30%, nhưng nông sản ứng dụng công nghệ cao lại được thị trường ưa chuộng, làm tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố sẽ tập trung xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển thêm nhiều mô hình nông nghiệp 4.0, đồng thời đẩy mạnh hướng tới xuất khẩu các sản phẩm này. Trong đó, sẽ chú trọng vào chăn nuôi và cây ăn quả.