Chủ tịch UBND Hà Nội tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm. - Ảnh: Zing.
Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, tại buổi tiếp xúc xử tri của đại biểu HĐND Hà Nội tại quận Hoàn Kiếm chiều 14/12, cử tri Đào Tuyết Thanh (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) nói lên lo lắng về chất lượng không khí tại Hà Nội.
Bà Thanh nói thêm, Hà Nội hiện đang là một trong những đô thị ô nhiễm không khí nhất Đông Nam Á và châu Á. Hiện nay, Hà Nội có hàng trăm nhà máy, xí nghiệp xả thải ra không khí; gần 100 cơ sở y tế lớn nhỏ mỗi ngày xả ra môi trường hàng trăm tấn rác thải y tế độc hại; cả nghìn công trường đang thi công...
“Vậy thành phố đã có những giải pháp gì để giải quyết chất lượng không khí Hà Nội. Đây là vấn đề không chỉ tôi mà hàng triệu cử tri Hà Nội vô cùng lo lắng”, bà Thanh nói.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, hiện nay, thành phố đã có lắp 15 trạm quan trắc không khí tự động. Tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục lắp thêm gần 100 trạm quan trắc ở nhiều điểm trên toàn thành phố để có số liệu về ô nhiễm không khí.
Theo ông Chung, có nhiều nguyên nhân dẫn đến không khí Hà Nội ô nhiễm như: Bụi các công trường đang thi công; việc thu gom, vận chuyển rác, xử lý rác thải chưa tốt; nhiều người dân sinh sống ở thủ đô còn sử dụng than tổ ong để nấu ăn hay việc xe máy, ôtô hết hạn sử dụng lưu thông xả khí thải ra môi trường…
“Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ siết chặt việc vận chuyển vật liệu xây dựng đến các công trường. Những xe tải chở vật liệu xây dựng trước khi vào thành phố phải rửa sạch sẽ. Từ 1/1/2017, các quận nội thành sẽ có thêm 40 chiếc xe hút bụi hiện đại. Hy vọng tình trạng ô nhiễm không khí ở thủ đô sẽ được cải thiện”, ông Chung chia sẻ.
Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết tới đây sẽ tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng than tổ ong để nấu ăn, tiếp tục trồng thêm cây xanh ở nội, ngoại thành để cải thiện môi trường.
Ông Chung nhấn mạnh: “Việc lắp thêm 100 trạm quan trắc tự động sẽ được triển khai sớm. Người dân ngồi ở nhà nhưng vẫn tra cứu trên Internet về nơi ở của mình ô nhiễm hay không, ô nhiễm như thế nào, cấp độ bao nhiêu”.
Hơn 30.000 người Việt Nam chết trẻ mỗi năm vì những nguyên nhân liên quan ô nhiễm không khí. Ảnh: Tiền Phong.
Tờ Tiền Phong đưa tin, theo thiết kế, các trạm quan trắc không khí này hoạt động hoàn toàn tự động 24/24 giờ. Hằng ngày, các trạm đo hướng gió, tốc độ gió, lượng mưa, bụi, ozon, chất lượng không khí…
Trước đó hôm 13/10, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho hay, thành phố Hà Nội hiện có 6 trạm quan trắc không khí cố định, trong đó có 4 trạm do Trung ương quản lý (2 trạm do Tổng cục Môi trường quản lý; 2 trạm do Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn và môi trường quốc gia quản lý). Còn 2 trạm do Sở TN&MT Hà Nội quản lý, nhưng đến nay chỉ còn 2 trạm quan trắc do Trung ương quản lý là còn hoạt động. Đó là trạm tại 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) và trạm tại số 8 Pháo Đài Láng (quận Đống Đa).