Khu vực thí điểm từ Trung tâm thương mại Aeon mall Hà Đông đến nhà chờ tuyến buýt nhanh BRT Văn Khê. Dự kiến thời gian thí điểm đến hết năm 2023, sau đó sẽ đánh giá lại để nhân rộng ra toàn thành phố.
Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải, đơn vị được giao thực hiện thí điểm, sẽ sử dụng hai loại xe điện gồm: xe máy điện và xe đạp điện trợ lực; trong đó, có 50 xe PCX điện của Công ty Honda Việt Nam và 10 xe đạp điện trợ lực của Công ty QIQ Việt Nam.
Theo đó, khi hành khách đến Trung tâm Thương mại Aeon mall Hà Đông, nếu có nhu cầu sử dụng xe buýt nhanh BRT sẽ có nhân viên hỗ trợ cài đặt ứng dụng trên điện thoại và khai báo thông tin cá nhân. Khi thông tin được chấp nhận, người dùng được mượn xe điện hai bánh để di chuyển ra khu vực nhà chờ buýt nhanh BRT điểm Văn Khê rồi trả xe, đón xe buýt BRT. Tương tự, với quy trình từ nhà chờ BRT đến Trung tâm Thương mại Aeon mall Hà Đông.
Với những người sử dụng phương tiện cá nhân có thể gửi lại tại hai điểm đầu, cuối rồi mượn xe điện 2 bánh để di chuyển ra điểm đón xe buýt thường hoặc buýt BRT.
Quá trình di chuyển từ hai điểm này được lưu trữ, theo dõi trong hệ thống thông qua ứng dụng đã cài đặt trước đó. Hệ thống này đồng thời cung cấp các chức năng cần thiết cho mô hình chia sẻ xe điện gồm: việc theo dõi tình trạng pin cho xe và tăng báo động trong trường hợp có vấn đề phát sinh.
Trong thời gian thí điểm, người sử dụng không phải trả phí dịch vụ. Kinh phí thực hiện trích từ nguồn tài trợ của Ủy ban châu Âu và hỗ trợ của các cơ quan thực hiện phương án thí điểm.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, mục tiêu của đề án được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện cá nhân; giúp hành khách hình thành thói quen sử dụng các loại phương tiện giao thông xanh và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.Qua đó, tăng cường giải pháp quản lý phương tiện giao thông đường bộ, kéo giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.