Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hà Nội: Sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế tại 100% cơ sở khám chữa bệnh

Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 3582/SYT-KHTC gửi các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội về việc đẩy mạnh triển khai sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo 06 - UBND thành phố Hà Nội tại Công văn số 19/CV-BCĐ06 ngày 4-8-2022 về việc triển khai các biện pháp đẩy mạnh công tác cấp căn cước công dân gắn chíp trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tiếp tục hướng dẫn triển khai thí điểm khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp.

Bên cạnh đó, thông báo công khai cho người bệnh biết và triển khai tiếp đón người bệnh đi khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc quy trình khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD gắn chíp thay thế cho thẻ BHYT.

Sở Y tế Hà Nội cũng giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở Y tế cho người tham gia BHYT biết về việc thực hiện khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp.

“Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc yêu cầu các đơn vị phản ánh kịp thời về Bảo hiểm xã hội thành phố và báo cáo về Sở Y tế để xem xét, giải quyết”, Sở Y tế thành phố nêu rõ trong Công văn số 3582.

Trước đó, từ tháng 3-2022, thành phố triển khai sử dụng thẻ BHYT khi đã được tích hợp lên thẻ CCCD gắn chíp. Đến nay, sau khoảng 5 tháng triển khai, mới có 470/725 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thuộc các bệnh viện, phòng khám đa khoa, trung tâm y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp, chiếm 62,3% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đã có khoảng 40,6 nghìn lượt tra cứu. Tuy nhiên, tỷ lệ tra cứu thành công mới đạt 62,4%.

Với các cơ sở khám, chữa bệnh chưa thực hiện sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế, liên ngành Sở Y tế Hà Nội và Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội cũng đề nghị khẩn trương tập trung triển khai thực hiện tiếp nhận, làm thủ tục cho bệnh nhân đến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp. Quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu trước ngày 15-8-2022, đạt tỷ lệ 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn Hà Nội triển khai thực hiện tiếp nhận, làm thủ tục cho bệnh nhân đến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp.

Theo Sở Y tế thành phố, việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân đem đến nhiều lợi ích đối với cả cơ quan quản lý, các cơ sở y tế và cả người dân. Cơ sở y tế và người bệnh giảm thời gian làm thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, tránh tình trạng sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác, thất thoát thẻ bảo hiểm y tế của người bệnh. Ngoài ra, cơ quan quản lý tiết kiệm được chi phí cấp phát thẻ, quản lý thẻ bảo hiểm y tế, chống lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Theo Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội, trong 7 tháng của năm 2022, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ở địa bàn Hà Nội đạt 91,4% dân số, với hơn 7,5 triệu người tham gia. Bảo hiểm xã hội thành phố ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với 183 cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến Trung ương đến tuyến y tế cơ sở có đủ điều kiện, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.

7 tháng qua, thành phố có hơn 5,4 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Cụ thể, 4.640.277 lượt khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, 805.499 lượt điều trị nội trú. Chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đề nghị thanh toán là 9.664,7 tỷ đồng, bằng 51,1% dự toán.