BTC chương trình "Ký ức mùa thu" cho biết, cách đây 65 năm, đúng Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), trong không khí tưng bừng của đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, tại sân Đoan Môn – Hoàng thành Thăng Long (khi đó gọi là sân Cột Cờ), đã diễn ra Lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng. Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản Thủ đô và hàng vạn đồng bào. Nhằm ôn lại truyền thống cách mạng, chương trình sẽ tái hiện lại Lễ chào cờ lịch sử năm ấy. Lễ chào cờ sẽ gồm các hoạt động như: Rước ảnh tưởng niệm của các nhân chứng lịch sử và gia đình nhân chứng; chương trình văn nghệ "Khúc tráng ca giữa mùa thu lịch sử". Sau đó, các nhân chứng, khách mời sẽ cùng thực hiện nghi lễ chào cờ tại sân Đoan Môn (đúng vị trí đoàn quân giải phóng thực hiện lễ chào cờ khi tiếp quản Thủ đô).
Ngoài ra, chương trình "Ký ức mùa thu" còn có trưng bày "Hà Nội mùa thu năm ấy". Thông qua hình ảnh tư liệu, trưng bày, kể lại câu chuyện lịch sử về Hà Nội trong những năm kháng chiến chống Pháp từ ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), qua 9 năm nếm mật, nằm gai để tiến tới những giờ phút huy hoàng giải phóng Thủ đô. Trong chương trình, công chúng còn được giao lưu với các nhân chứng lịch sử, nhà sử học để nghe kể về những kỷ niệm không bao giờ quên thời khắc đoàn quân tiến về Hà Nội. Cũng trong dịp này, BTC cũng ra mắt cuốn sách ảnh về Ngày Giải phóng Thủ đô "Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về".
Cách đây 65 năm, Lễ chào cờ đầu tiên trong ngày Hà Nội được hoàn toàn giải phóng diễn vào 15h ngày 10/10/1954 đã đi vào lịch sử. Cột cờ Hà Nội là một trong số ít những công trình kiến trúc thuộc khu vực thành Hà Nội có may mắn thoát khỏi sự phá hủy của chính quyền đô hộ Pháp tiến hành trong ba năm 1894-1897. Và đây cũng là công trình hiếm hoi chứng kiến buổi chào cờ đầu tiên trong ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Tại sân Cột Cờ, các đơn vị tham dự lễ chào cờ tập hợp thành khối vuông nghiêm chỉnh. Hàng đầu là đội hình bộ binh gồm Trung đoàn Thủ đô, đại diện các đơn vị Đại đoàn 308 và Trung đoàn 57 Đại đoàn 304. Đứng sau đội hình bộ binh là đội hình cơ giới và pháo binh xếp hàng ngang thẳng tắp, xe pháo nghiêm chỉnh, pháo thủ và bộ binh cơ giới đứng nghiêm trên xe. Xung quanh sân vận động, nhân dân các khu phố kéo đến đông nghịt đứng vòng trong vòng ngoài chật ních cả đường Hoàng Diệu và đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ). Sau 9 năm, lá cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được kéo lên tại Cột cờ Hà Nội. Còi Nhà hát Thành phố nổi lên, cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột Cờ cổ kính. Cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh kháng chiến, biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Có thể nói, ngày 10/10/1954 trở thành mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới hết sức vẻ vang trong lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Thiếu tướng.TS Nguyễn Xuân Năng - Giám đốc bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam từng cho biết, khi chúng ta dành được thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chính phủ trở về Thủ đô, lá cờ đỏ sao vàng lại được tung bay trên cột cờ Hà Nội. Đây có thể nói là vị trí cao nhất, lá cờ của Tổ quốc được tung bay trên một vị trí cao nhất của Thủ đô Hà Nội nó thể hiện một niềm kiêu hãnh, một sự vinh quang, một niềm tự hào về đất nước Việt Nam độc lập, tự do và thống nhất và nó cũng là biểu tượng của Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến. 65 năm trôi qua, nhiều nhân chứng lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô năm xưa đã không còn nữa nhưng Cột cờ Hà Nội vẫn còn đó, mãi trường tồn cùng thời gian, trở thành một biểu tượng của Thủ đô, của đất nước. Nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Cột cờ Hà Nội là thấy Tổ quốc trong tim.