Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hà Nội tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội.

received1234337774062537-16553643960251266270999

Theo đó, Chỉ thị nêu rõ, phải đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Chủ động, quyết liệt, tập trung xử lý các ổ dịch không để lan rộng, kéo dài; phòng, chống sốt xuất huyết một cách triệt để, thực chất, ngăn chặn đẩy lùi dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, hạn chế thấp nhất số ca mắc, tình trạng bệnh nhân chuyển nặng tử vong.

Về nguyên tắc thực hiện: Nâng cao kỷ cương, trách nhiệm gắn với người đứng đầu; phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho các cá nhân phụ trách. Huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, hội, đoàn thể và người dân tham gia công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue. Tinh thần chung là: Không để dịch bệnh bùng phát, không để dịch chồng dịch; cơ quan, địa phương nào để dịch bệnh bùng phát do nguyên nhân chủ quan thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố.

Chỉ thị cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã của thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Trong đó, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn quản lý… Huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy hằng tuần, nhất là tại các khu vực có ổ dịch. Bảo đảm tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát. Các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đổ phế thải, nơi sinh sản của muỗi phải được giám sát để tiến hành các hình thức diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Bên cạnh đó, rà soát, tiếp tục triển khai thực hiện đề án phòng, chống sốt xuất huyết của địa phương theo tinh thần “4 tại chỗ”; chủ động bố trí kinh phí, cơ số vật tư, trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue tại địa phương bằng nguồn lực tại chỗ. Trong trường hợp không bố trí được nguồn kinh phí của địa phương, báo cáo Sở Tài chính để tìm giải pháp tháo gỡ và báo cáo UBND thành phố các nội dung vượt thẩm quyền…

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong thời gian gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh. Số ca mắc năm 2022 tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ 2021 và tăng 2 lần so với trung bình cùng kỳ 5 năm. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; 564/579 xã, phường, thị trấn, với số mắc ghi nhận tại các huyện ngoại thành chiếm 58,1%, nội thành chiếm 41,9%. Trong khi đó, số liệu của CDC Hà Nội cho thấy, số ca mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch. Hiện tại, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp. Dự báo số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong. Do đó cần tiếp tục bám sát tình hình dịch, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cùng Nhân dân cần quyết liệt hơn nữa, chú trọng diệt bọ gậy, diệt muỗi, đảm bảo xử lý dứt điểm ổ dịch kéo dài và phát hiện ổ dịch sớm, điều này rất quan trọng để hạn chế dịch bệnh. Đối với những ổ dịch đang kéo dài, cần xác định rõ quy mô, áp dụng các biện pháp quyết liệt như tổng vệ sinh diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi trưởng thành,… để giải quyết dứt điểm ổ dịch.

Để ngăn chặn tình trạng lây lan của sốt xuất huyết, theo bà Hà Sở Y tế Hà Nội tuyệt đối không chủ quan, lơ là, không làm hình thức mà phải thực chất, đúng địa chỉ, toàn diện, không chỉ trong khu vực dân cư mà toàn bộ địa bàn, kể cả các khu vực có nguy cơ cao,… với sự huy động toàn thể các ban ngành đoàn thể và nhân dân cùng tham gia. Đồng thời các địa phương triển khai theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động về kinh phí, vật tư tiêu hao, hoá chất, trang thiết bị, triển khai hiệu quả, không để thất thoát, đảm bảo tính tiết kiệm. Tiếp tục duy trì và kiện toàn thường xuyên tổ giám sát cộng đồng, đội xung kích diệt bọ gậy theo hướng dẫn của ngành Y tế. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp tới từng người dân, từng gia đình về phòng chống dịch bệnh. Đồng thời tiếp tục tập huấn công tác điều trị, tổ chức tốt khám chữa bệnh, phân tuyến, thu dung điều trị bệnh nhân, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn, hạn chế thấp nhất số ca tử vong.