Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hà Nội: Tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp

 
Theo báo cáo của Sở LĐTBXH TP. Hà Nội, trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp, từng bước đào tạo theo địa chỉ sử dụng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Đặc biệt, đào tạo tại các cơ sở GDNN đã dịch chuyển từ việc đào tạo các ngành, nghề truyền thống sẵn có sang hướng đào tạo các ngành, nghề theo nhu cầu xã hội.
 
Trong năm 2018, các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố đã hợp tác với 753 doanh nghiệp với nhiều nội dung, hình thức phối hợp đa dạng. Nhờ đó, trong tổng số học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm năm 2018 là 113.945 người thì có 12.212 học sinh, sinh viên được doanh nghiệp đặt hàng đào tạo từ khi vào học và được tuyển dụng ngay vào làm sau khi tốt nghiệp. Các doanh nghiệp cũng đã phối hợp tham gia xây dựng được 302 bộ chương trình, giáo trình đào tạo; tham gia giảng dạy được 510 ngành/nghề; tiếp nhận 17.199 học sinh, sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp; hỗ trợ trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu đào tạo cho các cơ sở GDNN được 249 ngành/nghề; hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở GDNN trên 11,161 tỷ đồng. 
 
Đã xuất hiện nhiều mô hình gắn kết giữa đào tạo với doanh nghiệp đạt hiệu quả cao như: Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội, Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội, Trường Trung cấp Kinh tế - Du lịch Hoa Sữa, Trường Trung cấp Nghề nấu ăn - nghiệp vụ du lịch thời trang Hà Nội, Trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội… 
 
Nhờ hình thức tuyển sinh đa dạng, kèm theo cam kết giải quyết việc làm sau tốt nghiệp, các cơ sở này đã thu hút nhiều thí sinh đăng ký học những ngành, nghề thị trường lao động đang cần. Không chỉ mở rộng đối tượng tuyển sinh, nhiều trường còn mở thêm những ngành, nghề mới phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, xu hướng phát triển của xã hội. 


Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: Đức Huy
 
Điển hình là Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội đã luôn quan tâm xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với với hơn 400 trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội trong và ngoài nước thông qua Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp để tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp ra trường; sinh viên thực hành, thực tập; hợp tác nghiên cứu, sản xuất sản phẩm, chuyển giao công nghệ; khai thác đội ngũ chuyên gia giảng dạy từ doanh nghiệp. 100% sinh viên hàng năm đều được đi thực tập, trong đó trên 30% sinh viên đã được tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp. Các hoạt động này đều được thực hiện thông qua các hợp đồng đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp. Nhà trường cũng đã mở thêm 6 ngành mới, gồm tiếng Anh du lịch, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nhật Bản, ngôn ngữ Hàn Quốc, kỹ thuật xét nghiệm y học và kỹ thuật thiết bị cơ điện, điện tử y tế. Trong đó, hai nghề kỹ thuật thuộc lĩnh vực y tế được đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Nhờ làm tốt công tác này, tỷ lệ sinh viên có việc làm trước khi ra trường đạt trên 85% và sau 6 tháng đầu tnăm 2019 đã đạt tỷ lệ trên 96%. Một số nghề như điện, điện tử, hàn, cơ điện tử, cắt gọt kim loại, chăm sóc sắc đẹp… đạt tỷ lệ 100% sinh viên có việc làm trước khi tốt nghiệp, thậm chí không đủ cung cấp cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, từ năm học 2018 - 2019, Nhà trường đã tự tin ký hợp đồng đào tạo với từng sinh viên, đảm bảo 100% sinh viên ra trường có việc làm với thu nhập từ 5 - 15 triệu đồng/tháng. 
 

Các cơ sở GDNN ở Hà Nội đã thu hút nhiều thí sinh đăng ký học những ngành, nghề thị trường lao động đang cần. Ảnh: Minh Tâm
 
Với những cách làm sáng tạo của các cơ sở GDNN, trong 6 tháng đầu năm 2019, các cơ sở GDNN trên địa bàn Thủ đô đã tuyển sinh và dạy nghề cho 50.270 lượt người, đạt 24,5% kế hoạch, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2018; trình độ kỹ năng tay nghề của học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở GDNN được nâng lên, đã khẳng định được vị trí việc làm tại doanh nghiệp. Khoảng trên 70% học sinh, sinh viên tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Ở một số nghề và một số cơ sở GDNN, số người có việc đạt trên 90%, đặc biệt, có ngành, nghề đạt 100%. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố năm 2018 đạt 63,8%, phấn đấu đạt 70%-75% vào năm 2020.
 
Để tiếp tục phát huy mô hình gắn kết giữa GDNN với thị trường lao động và giải quyết việc làm, theo Sở LĐTBXH, trong thời gian tới, Hà Nội cần tăng cường tuyên truyền về phân luồng, định hướng nghề nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của người học về GDNN; gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với các trường nghề; khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp, nhất là lĩnh vực CNTT; tăng cường công tác tự chủ cũng như đổi mới đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp… Thành phố cũng sẽ đổi mới công tác quản lý GDNN trên cơ sở áp dụng công nghệ để xây dựng trên hệ thống thông tin quản lý hiện đại, kết nối cung và cầu đào tạo trong toàn hệ thống; từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về người học để kết nối với thị trường lao động; Đổi mới chương trình và công tác tổ chức, quản lý đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra; Đảm bảo liên thông thuận lợi giữa các cấp trình độ đào tạo trong cùng ngành, nghề hoặc với các ngành, nghề khác, cũng như liên thông lên trình độ cao hơn trong hệ thống giáo dục. Thành phố cũng khuyến khích các cơ sở GDNN tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.  
 

 

Thùy Hương/GĐTE