Ảnh minh họa
Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm, các cơ quan chức năng từ thành phố tới cơ sở liên tục tiến hành kiểm tra, rà soát, triệt xóa các điểm, tụ điểm mại dâm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm (Đội liên ngành 178) các cấp đã kiểm tra gần 2.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội, qua đó phát hiện, xử lý vi phạm hơn 100 cơ sở. Lực lượng công an các cấp đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá nhiều vụ liên quan đến hoạt động mại dâm...
Cùng với việc kiểm tra, xử lý vi phạm, nhằm hạn chế phát sinh hoạt động mại dâm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội duy trì triển khai "Mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội" tại phường Ngọc Khánh và phường Cống Vị (quận Ba Đình); phường Yên Hòa và phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy).
Theo đó, chính quyền các địa phương đã, đang phát huy tốt hơn vai trò lãnh đạo, kiểm tra, giám sát về việc thực hiện các quy định của pháp luật, bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng như người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Thông qua mô hình này, Hà Nội có hơn 100 người là đại diện cơ sở kinh doanh dịch vụ được tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật; gần 500 người làm việc trong cơ sở kinh doanh dịch vụ được cung cấp thông tin, kiến thức về các quyền của người lao động, được đào tạo, tập huấn về công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Tại quận Hoàng Mai, các cơ quan chức năng duy trì hoạt động của mô hình "Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm tự lực giúp đỡ người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới" và "Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng". Nhờ đó, hàng trăm lượt người bán dâm được cung cấp các kiến thức về chăm sóc sức khỏe, tư vấn, học nghề để thay đổi nghề nghiệp, tạo cơ hội cho họ hòa nhập cộng đồng bền vững.
Bên cạnh đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội còn phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an tăng cường phối hợp liên ngành để phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố.
Theo ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), một số quy định liên quan đến công tác phòng, chống mại dâm hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, mức xử lý vi phạm hành chính còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Vì thế, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành chính sách, pháp luật về công tác phòng, chống mại dâm cho phù hợp với giai đoạn hiện nay.