Chỉ có 2/30 đơn vị đăng ký nguồn xả thải nguy hại
Theo ghi nhận của Sở Y tế Hà Nội, công tác quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường với Bệnh viện đa khoa Đức Giang và Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec đã thực hiện tốt việc đánh giá, cũng như cam kết bảo vệ môi trường, thực hiện quan trắc môi trường định kỳ, quản lý tốt chất thải rắn cũng như chất thải lỏng. Trong khối các TTYT, mới chỉ có 7/30 đơn vị thực hiện đánh giá tác động môi trường, 2/30 đơn vị quan trắc môi trường định kỳ, 2/30 đơn vị đăng ký chủ nguồn xả thải nguy hại. Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện, 100% các đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ nhân viên về công tác quản lý chất thải y tế, vệ sinh môi trường, phòng bệnh nghề nghiệp. Với chất thải rắn y tế ngay tại nơi phát sinh, 32 đơn vị đã tổ chức phân loại, thu gom tại nguồn, tuy nhiên một số đơn vị thu gom chưa đúng mã màu quy định. Việc xử lý chất thải rắn nguy hại có 6 đơn vị có lò đốt để xử lý tại chỗ, 26 đơn vị ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý.
Bệnh viện đa khoa Vimec được đầu tư trang thiết bị khám bệnh hiện đại, đồng bộ.
Về phương tiện vận chuyển chuyên dụng chất thải y tế nguy hại, mới chỉ có 2 đơn vị là: TTYT Sóc Sơn và Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec có đầy đủ theo đúng quy định. Về lưu giữ rác thải, chỉ có 14/32 đơn vị có nhà lưu giữ rác. Đối với chất thải lỏng ở 2 bệnh viện qua kiểm tra có hệ thống xử lý, 27 TTYT quận, huyện, thị xã chưa có hệ thống xử lý nước thải, mà chỉ xử lý tại chỗ bằng Cloramin B (hoặc vôi bột) sau đó xả thải ra môi trường. 43/51 phòng khám đa khoa ở 30 TTYT quận, huyện đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, một số nhà hộ sinh vẫn xử lý bằng hóa chất trước khi thải ra môi trường.
Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị sớm khắc phục khó khăn, thực hiện tốt công tác quản lý rác thải y tế, bảo vệ môi trường. Hiện đã có 21/32 đơn vị báo cáo Sở Y tế hướng khắc phục, 11 đơn vị đang liên hệ và thực hiện với cơ quan chức năng về đăng ký chủ nguồn thải chất thải y tế nguy hại, 8 đơn vị đang xin giấy phép xả thải, 8 đơn vị đang thực hiện quan trắc môi trường định kỳ.
Đáng lưu ý, qua đợt kiểm tra mới có 12/32 đơn vị thực hiện thành lập bộ phận phụ trách công tác bảo hộ lao động theo quy định; 6/32 đơn vị thành lập bộ phận y tế cơ quan; 8/32 đơn vị thực hiện đo kiểm môi trường lao động; 8/32 đơn vị thực hiện lập hồ sơ vệ sinh lao động; mới có 1/32 đơn vị thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; 13/32 đơn vị chấp hành quy định báo cáo về ATVSLĐ.
Tăng cường thanh, kiểm tra
Để khắc phục tình trạng trên, cùng với sự hướng dẫn của các bộ phận chức năng chuyên môn của Sở Y tế, đã có 2 đơn vị thành lập bộ phận ATVSLĐ, bảo hộ lao động; thành lập bộ phận y tế cơ quan ở 8 đơn vị; 4 đơn vị xây dựng kế hoạch ATVSLĐ; 7 đơn vị chuẩn bị tham gia huấn luyện về ATVSLĐ. 7 đơn vị sau khi đo kiểm môi trường đang thực hiện lập hồ sơ vệ sinh lao động; 8 đơn vị đã thực hiện đo kiểm môi trường lao động năm 2015 và 8 đơn vị đang thực hiện khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động là: TTYT Đông Anh, Sóc Sơn, Thường Tín, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh và Bệnh viện đa khoa Đức Giang.
Xử lý rác thải y tế.
Nguyên nhân của những tồn tại trong lĩnh vực quản lý chất thải y tế, đảm bảo ATVSLĐ là do hầu hết các đơn vị chưa có cán bộ chuyên trách, chưa được đào tạo, tập huấn công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế cũng gặp khó khăn về kinh phí để triển khai đầy đủ các nội dung công tác quản lý chất thải y tế, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
Trong giai đoạn tới, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, Sở Y tế sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế thực hiện. Xem xét trách nhiệm người đứng đầu đơn vị khi không thực hiện nghiêm túc quản lý chất thải y tế, đảm bảo vệ sinh môi trường làm việc cho người lao động.