Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hà Nội: Thí điểm mô hình hỗ trợ và chuyển gửi điều trị cai nghiện ma túy

Mục tiêu tổng quát của việc xây dựng Mô hình hỗ trợ và chuyển gửi điều trị cai nghiện ma túy tại Việt Nam là tăng cường phối hợp giữa cơ quan tư pháp y tế, xã hội và cộng đồng trong hỗ trợ tiếp cận và tuân thủ các dịch vụ y tế xã hội và pháp lý phù hợp tại cộng đồng đối với người sử dụng ma túy. Điều này hướng tới mục tiêu đạt được hiệu quả điều trị nghiện cao nhất, giảm tỷ lệ tái nghiện và tái phạm do tác động của ma túy, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ở người sử dụng ma túy.

 

UBND TP. Hà Nội vừa triển khai Kế hoạch số 40/KH-UBND về việc triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội tại quận Long Biên và quận Nam Từ Liêm.

Cụ thể, thành phố sẽ thực hiện chuyển gửi điều trị, hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội đối với 150 lượt người sử dụng ma túy tại các địa bàn thí điểm; hỗ trợ ít nhất một nhu cầu cắt cơn, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị thay thế, khám, xét nghiệm, điều trị viêm gan B, C, lao, HIV cho 100 lượt người sử dụng ma túy tại cộng đồng (tương đương 60-70% số người được chuyển gửi điều trị). Phạm vi mô hình được thực hiện ở 2 quận Long Biên và Nam Từ Liêm. Mỗi quận lựa chọn 3 phường tham gia thí điểm.

Đối tượng áp dụng gồm người sử dụng, người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định trên địa bàn các phường tham gia thí điểm; người đã hoàn thành chương trình cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc tại cơ cở cai nghiện ma túy và cộng đồng, đang thuộc diện quản lý sau cai tại cộng đồng. Thời gian thực hiện thí điểm mô hình trong các năm 2019-2020.

 

Ảnh minh họa

Ông Hoàng Thành Thái,  Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, trong những năm qua, công tác cai nghiện ma tuý đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, nghiên cứu, đầu tư áp dụng vào thực tế nhiều mô hình cai nghiện, các mô hình đều có những ưu điểm nhưng cũng bộc lộ những hạn chế, đặc biệt là việc cai nghiện, điều trị và quản lý người nghiện ma tuý lâu dài tại cộng đồng, tuy nhiên với tình hình hiện nay, số người nghiện ma tuý sẽ chuyển hướng sử dụng các loại ma tuý tổng hợp, tình trạng loạn thần xuất hiện trong người sử dụng ma tuý đòi hỏi quá trình điều trị lâu dài, vì vậy công tác cai nghiện ma tuý cần được đổi mới theo mục tiêu hướng về cộng đồng, trên cơ sở xây dựng một mô hình cung cấp cho người cai nghiện ma tuý các dịch vụ toàn diện bao gồm dịch vụ y tế, tâm lý, xã hội và hỗ trợ việc làm, giúp ổn định cuộc sống.

Việc triển khai thí điểm Mô hình thí điểm về hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người cai nghiện ma tuý sẽ tạo điều kiện để người sử dụng ma tuý, người nghiện ma tuý sớm được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điều trị, cai nghiện ma tuý và phục hồi toàn diện tại cộng đồng, giảm tác hại do sử dụng ma tuý, giảm các hành vi vi phạm pháp luật và nguy hại đối với người sử dụng ma tuý và cộng đồng. Tuy nhiên, các đại biểu cũng băn khoăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, kinh phí…

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) cho biết, trên thực tế, hiện tượng đã cai rồi lại tái nghiện và lặp đi lặp lại là rất phổ biến. Quá trình căng thẳng tâm lý là một trong những nguyên nhân chính khiến cho việc cai nghiện trở nên khó khăn. Từ thực tế này cho thấy mô hình hỗ trợ tâm lý, xã hội cho người nghiện ma túy trước khi bị tòa án xem xét, quyết định biện pháp cai nghiện bắt buộc là cần thiết. Cũng theo khuyến cáo của Liên Hợp Quốc, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tư pháp và các dịch vụ y tế, xã hội giúp tăng hiệu quả điều trị rối loạn sử dụng chất. Chính phủ Việt Nam cũng có chủ trương tăng cường cai nghiện tự nguyện và tại cộng đồng.

Hiện nay trên thế giới, có nhiều mô hình về việc phối hợp liên ngành hỗ trợ người sử dụng ma túy ở cộng đồng, ngoài cơ sở khép kín. Mô hình chuyển gửi bởi cảnh sát đã được thực hiện ở nhiều nơi trong đó có nhiều thành phố ở Mỹ. Theo đánh giá, năm 2017, tỷ lệ người sử dụng ma túy tham gia chương trình bị bắt giữ vì vi phạm pháp luật thấp hơn 60% so với những người không tham gia chương trình. Tỷ lệ có việc làm thu nhập cao hơn 33%; cải thiện hình ảnh của cảnh sát đối với cộng đồng: Gần gũi, thân thiện, nhân văn hơn.

Mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý” đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, tuy nhiên tại Việt Nam đây là mô hình mới, lần đầu được thí điểm tại Việt Nam. Thành phố Hà Nội đã được Bộ LĐ-TB&XH chọn làm địa bàn triển khai thực hiện.

Đây là mô hình mới, quá trình triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là nhận thức của người dân và các cấp chính quyền, vì vậy các đơn vị tham gia phải tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, giải kịp thời những tình huống khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện trên tinh thần hợp tác để thực hiện thành công mô hình, trên cơ sở đó để triển khai nhân rộng tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma tuý, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều trị, cai nghiện ma tuý tại cộng đồng, giảm cơ bản tình trạng tội phạm về ma túy.