Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hà Nội thông tin việc di dời hoa sữa về trồng tại khu vực bãi rác Nam Sơn

Lãnh đạo quận Tây Hồ (Hà Nội) đã lên tiếng thông tin chính thức về việc 96 cây hoa sữa dọc phố Trích Sài (phường Bưởi, quận Tây Hồ) được di chuyển và trồng tại khu xử lý rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn).

Đã di chuyển 58 cây hoa sữa trên phố Trích Sài

Theo UBND quận Tây Hồ, trên vỉa hè tuyến đường Trích Sài có tổng số 103 cây (1 cây muồng hoàng yến và 102 cây hoa sữa). Rễ cây hoa sữa trên phố Trích Sài gây bong bật, hư hỏng bồn cây, gạch lát vỉa hè.

Bên cạnh đó, hoa sữa có hương ngào ngạt và nồng nặc ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Do vậy nhân dân đã nhiều lần có ý kiến về việc di chuyển hàng cây hoa sữa trên tuyến phố Trích Sài, tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp và của đại biểu Quốc hội. UBND quận Tây Hồ đã báo cáo đề xuất và được UBND TP. Hà Nội cho phép về việc di chuyển, trồng thay thế cây hoa sữa trên phố Trích Sài.

Dự kiến việc đánh chuyển di dời sẽ hoàn thành trong tháng 8/2019. Ảnh: An ninh thủ đô

Cụ thể, di chuyển 96 cây hoa sữa về Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, Sóc Sơn. UBND quận Tây Hồ sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc, duy trì trong 2 năm, đảm bảo các cây hoa sữa này sinh trưởng, phát triển tốt và sẽ bàn giao cho đơn vị vận hành Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn quản lý theo quy định.

Đến nay, UBND quận Tây Hồ đã tiến hành di chuyển 58 cây hoa sữa trên tuyến Trích Sài về trồng tại khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn. Tại vị trí các cây hoa sữa đã di chuyển, UBND quận Tây Hồ đang tổ chức thực hiện việc chỉnh trang, cải tạo hạ tầng, tổ chức lát lại vỉa hè và báo cáo, đề xuất với thành phố và Sở Xây dựng việc trồng cây thay thế đảm bảo đúng chủng loại cây xanh đô thị, phù hợp với khu vực này.

Trồng cây gì thay thế?

Về vấn đề chi phí di dời hàng cây hoa sữa và quận Tây Hồ dự kiến sẽ trồng cây gì thay thế, ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, chi phí di dời hàng cây hoa sữa được UBND quận phê duyệt theo đúng quy định pháp luật và đang tổ chức triển khai, thực hiện.

Nội dung thứ hai liên quan đến chủng loại cây gì sẽ được trồng thay thế, UBND quận trong quá trình triển khai thực hiện di chuyển cũng đang đề xuất với UBND thành phố về việc trồng lại cây trên tuyến phố này.

"Chúng tôi đang đề xuất hai phương án. Phương án thứ nhất là sử dụng cây hoa giáng hương với đường kính là trên 20cm; chiều cao mỗi cây từ 6m đến 8m; khoảng cách mỗi cây là 7m.

Phương án thứ hai là chủng loại cây sen thân gỗ và muồng hoàng yến với đường kính trên 10cm; chiều cao 6m đến 8m, khoảng cách mỗi cây là 7m.

Trên cơ sở chấp thuận của UBND thành phố, chúng tôi sẽ lập dự toán, chi phí sau khi có các chủng loại cây này sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí. 

Đối với câu hỏi trồng khoảng cách 500m đối với khu dân cư thì có phải trồng lại không, tôi xin trả lời như sau: Theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam, khoảng cách từ khu dân cư đến các cơ sở sản xuất phải cách ly đều có các quy định cụ thể.

Chúng tôi sẽ kiểm tra cụ thể trong nội dung quy chuẩn xây dựng Việt Nam cũng như những văn bản hướng dẫn của Trung ương để có những thông tin cụ thể, chính xác",Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết.