Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hà Nội: Trồng cây xanh nhiều tầng, báo động tình trạng ăn trộm cây cảnh

(Dân sinh) - Thời gian qua, thành phố đã triển khai đồng bộ công tác quản lý, duy trì và phát triển hệ thống cây xanh trên địa bàn đảm bảo các cây xanh đã trồng sinh trưởng phát triển ổn định và định hướng cho cây phát triển tán cân đối, khỏe mạnh, có hình dáng, kích thước cành lá phù hợp với yêu cầu thẩm mỹ, mỹ quan đô thị.

Hà Nội: Trồng cây xanh nhiều tầng tạo sự đột phá về cảnh quan - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội chia sẻ, tại Hà Nội, tình trạng mất trộm cây xanh, đặc biệt là cây cảnh diễn ra rất thường xuyên trên nhiều tuyến phố.

“Trên tuyến Đại lộ Thăng Long, trước cửa Trung tâm Hội nghị quốc gia, chúng tôi trồng rất nhiều hoa hồng ở dải phân cách, nhưng có vị trí bị mất trộm đến 50% số cây. Việc mất cắp xảy ra thường xuyên nhưng chúng tôi không có cách nào để có thể xử lý triệt để, chỉ biết lập biên bản, đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc” - ông Nguyễn Đức Mạnh nói.

Rất bức xúc với nạn đào trộm cây xanh, ông Hoàng Cao Linh - Giám đốc Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành cho biết, nhiều tuyến phố mà đơn vị chịu trách nhiệm trồng, chăm sóc cây xanh bị mất trộm đến 20% số cây cảnh. Sau khi bổ sung số cây bị lấy trộm, chỉ một thời gian ngắn sau lại tiếp tục mất trong khi công ty cũng không thể cử người bảo vệ 24/24h.

“Ý thức của một số người dân về bảo vệ cây xanh, giữ gìn cảnh quan chung còn rất kém. Tất nhiên, một phần do chế tài chưa đủ mạnh cũng như việc xử lý hành vi trộm cắp cây xanh còn gặp nhiều khó khăn nên tình hình cũng chậm chuyển biến” - ông Hoàng Cao Linh nhìn nhận.

Hà Nội: Trồng cây xanh nhiều tầng tạo sự đột phá về cảnh quan - Ảnh 2.

“Có lần, khi đi kiểm tra trên tuyến Đại lộ Thăng Long, chúng tôi bắt gặp một người đi ô tô dừng xe ngay sát dải phân cách đang hì hục đào trộm một gốc hoa giấy lớn. Do đơn vị trồng đã néo các gốc cây lại với nhau bằng dây thép nên đối tượng chưa kịp đào xong đã bị bắt quả tang. Phát hiện xe chúng tôi tiến đến, người này bỏ lên xe đi mất. Cách đó không xa, nhiều gốc hoa hồng cổ thụ dù đã được chằng dây sắt vẫn bị những tên trộm cưa ngang thân cây, chỉ đào lấy gốc mang đi” - đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị kể lại.

Việc trồng cây bóng mát cỡ lớn trên các tuyến phố chính ở trung tâm cũng gặp rất nhiều khó khăn, từ lúc trồng cho tới chăm sóc để cây phát triển bình thường sau này. Đa số người dân yêu thích cây xanh, nhưng cũng có không ít người vì lợi ích cục bộ trong kinh doanh, sinh hoạt của gia đình mình, sẵn sàng xâm hại cây xanh.

Đơn giản vì nhà mặt phố Hà Nội có giá trị kinh doanh rất lớn nên nhiều hộ dân không muốn trồng cây trên vỉa hè, chắn trước cửa nhà mình. Ấy là chưa kể các hoạt động hạ ngầm trên nhiều tuyến phố của một số đơn vị cũng thường xuyên xâm hại vào hệ thống cây xanh. Công nhân vô ý thức thường xuyên đào, cắt vào bộ rễ khiến cây xanh phát triển kém, khả năng chống chịu với thiên tai cũng theo đó mà giảm sút, rất dễ gãy đổ.

Theo quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP, các hành vi xâm hại, triệt hạ cây xanh đều có mức xử phạt khá nghiêm khắc, mức cao nhất lên tới 30 triệu đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, di dời, đốt, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh không đúng quy định. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, việc xử phạt hành chính chưa được bao nhiêu trong khi các hành vi xâm hại cây xanh diễn ra liên tục, bất kể ngày đêm với nhiều cách thức rất nguy hiểm.

“Cần tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi xâm phạm về cây xanh để từ đó nâng cao dần ý thức cùng chung tay bảo vệ, giữ gìn cây xanh của người dân” - đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị nêu quan điểm.

Một số tuyến đường như Láng, Láng Hạ, Giải Phóng, Ô Chợ Dừa… đã được trồng bổ sung nhiều loại cây xanh, cây hoa, cây cảnh đã mang đến không gian đô thị tươi mới, góp phần nhân lên những khoảng xanh đô thị, xây dựng Thủ đô ngày càng xanh, văn minh và hiện đại.