Thực đơn bỏ toàn bộ cá biển
Trao đổi với PV Dân trí, cô Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) tỏ ra rất lo lắng: “Tôi xem báo, đọc thông tin trên mạng và lo lắng quá. Tôi còn đọc cả những bài viết liên quan đến thảm họa cá chết ở Nhật Bản trước đây và khi ăn vào thì ảnh hưởng đến thế hệ sau thế nào…
Ngay sau khi biết sự việc, chúng tôi đã họp quán triệt với nhân viên, phải cực kì cẩn trọng khi đưa thực phẩm vào nhà trường. Chúng tôi đưa cả hình ảnh người dân bị ngộ độc do ăn cá biển được đăng tải trên mạng để làm thí dụ cho dễ hình dung. Chưa yên tâm, ngày nào tôi cũng đi vài vòng kiểm tra bếp ăn xem các thực phẩm tra nấu có gì chưa ổn”.
Cũng theo cô Ngọc, tạm thời nhà trường quán triệt thực đơn từ nay trở đi hoàn toàn không có cá biển. “Bản thân gia đình tôi cũng rất lo sợ nên hoàn toàn không ăn cá biển trong thời điểm này. Vì thế để đảm bảo an toàn, tốt nhất chúng tôi hoàn toàn ngừng thực đơn có cá biển”, cô Ngọc chia sẻ.
Chia sẻ với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường mầm non Khương Đình (quận Thanh Xuân) cho biết, thực đơn của trường không có cá biển. Tuy nhiên, trước sự việc thời sự trên đây, nhà trường lưu ý nhà bếp về việc chọn lựa khi mua các sản phẩm liên quan như nước mắm, muối… để tra nấu.
“Việc chọn lựa thực phẩm là việc làm thường xuyên của chúng tôi. Nhất là trong thời điểm này, chúng tôi càng phải thận trọng hơn để không xảy ra tình trạng đáng tiếc”, cô Dung nói.
Liên quan đến thực phẩm cá biển đang bị nhiều người dân hạn chế sử dụng trong vài ngày gần đây, cô Phạm Thị Cúc Hà (Giám đốc Chương trình Hệ thống trường mầm non song ngữ Just Kids) cho biết, thực đơn của nhà trường không có cá biển, chỉ có tôm.
Qua theo dõi thông tin thường xuyên trên báo chí, nhà trường đã có ngay chỉ đạo với bếp ăn nhà trường ở tất cả các cơ sở phải cẩn trọng với thực phẩm như tôm, nước mắm, muối. Với tôm, nhà trường tuyệt đối không lấy tôm chết mà phải chọn loại tôm đang bơi để đảm bảo an toàn.
Giờ ăn trưa của học sinh mầm non (ảnh minh họa).
Chọn thương hiệu uy tín
Cũng theo bà Cúc Hà, sự việc mới xảy ra nên có thể nước mắm và muối có thể vẫn đang là hàng an toàn từ trước. Tuy nhiên, một thời gian ngắn nữa, bếp ăn nhà trường sẽ phải dùng các loại mắm muối nhập khẩu.
Trao đổi với chúng tôi, cô Bích Ngọc cũng khẳng định: “Ngay từ đầu nhà trường đã kí kết hợp đồng với các đơn vị cung cấp thực phẩm an toàn. Với những thực phẩm không có thay thế như nước mắm, muối… nhà trường chọn thương hiệu uy tín, không mua hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc.
“Sợ lắm nên hàng ngày tôi luôn luôn phải đứng ra nhắc nhở nhà bếp. Chỉ cần chúng ta không cẩn thận, không những trẻ ảnh hưởng bây giờ mà còn cả tương lai về sau”, cô Ngọc cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), Sở đã có văn bản liên ngành chỉ đạo kĩ càng. Ngày 25/4, văn bản này đã được Sở GD&ĐT Hà Nội gửi đến các Phòng GD&ĐT cùng các trường học về kế hoạch phòng chống dịch và ATTP trong trường học năm 2016.
Theo chỉ đạo này, các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, chủ động giám sát, đảm bảo ATTP bếp ăn bán trú, các cơ sở cung cấp suất ăn, cung cấp nước uống cho các cơ sở giáo dục. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho HSSV.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ để triển khai tốt việc phòng chống dịch bệnh và ATTP, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm và bùng phát dịch bệnh ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn.