Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong 7 ngày qua (từ 15 đến 22/2), Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc mới. Lũy tích giai đoạn 4, Hà Nội có 35 ca mắc ngoài cộng đồng. Tính từ ngày 27/1, Hà Nội có 1.140 F1 (30 xét nghiệm dương tính, còn lại âm tính); 12.829 trường hợp F2, hiện còn cách ly 2.657 người.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đánh giá tình hình dịch tại Hà Nội, dù nhiều ngày qua không có ca mắc mới nhưng Thủ đô luôn có nguy cơ cao vì là trung tâm giao thương lớn. Vì vậy, ông Dũng đề nghị các địa phương căn cứ vào các công văn chỉ đạo của Trung ương, thành phố về các công tác phòng, chống dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị các địa phương, đơn vị ngoài thực hiện theo chỉ đạo chung, còn cần tập trung vào một số phần việc: Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phối hợp với các địa phương rà soát những điểm đang phong tỏa (hiện còn 4 điểm), đánh giá lại các nguy cơ dựa vào kết quả đã xét nghiệm để đề xuất thành phố xem xét nới lỏng giãn cách; tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể cho hoạt động xét nghiệm ngẫu nhiên tại những cơ sở, khu vực bệnh viện, phòng khám, khu cách ly tập trung, khu công nghiệp, nhà máy... Bên cạnh đó, Sở Y tế triển khai bài bản quy trình quản lý và khai báo y tế trên nền tảng hướng dẫn QRCode của Bộ Y tế để người dân ủng hộ, tham gia đông đảo.
Ngoài ra, các địa phương tiếp tục chỉ đạo tổ giám sát Covid-19 cộng đồng hoạt động hiệu quả trong việc khai báo y tế, truy vết, tránh hình thức; chủ động công tác thông tin, truyền thông để người dân nắm bắt thông tin kịp thời công tác chỉ đạo của thành phố, xử lý nghiêm những trường hợp thông tin sai sự thật.
Ông Chử Xuân Dũng cho biết thêm, Hà Nội đã không ghi nhận thêm ca mắc mới trong cộng đồng, thành phố sẽ tính đến việc nới lỏng việc tạm dừng các hoạt động đã thực hiện trước đây.
"Đề nghị các sở, ngành có kế hoạch đối với đơn vị mình, trong đó đánh giá, đầy đủ nguy cơ, từ đó đề xuất giải pháp trong lĩnh vực quản lý hoạt động của đơn vị mình. Các đơn vị phải có báo cáo muộn nhất vào 17h ngày 25/2 để Ban Chỉ đạo thành phố cân nhắc, xem xét, sau đó báo cáo Thường trực Thành ủy, tập thể lãnh đạo thành phố để quyết định việc này", ông Dũng nói.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố cho biết, tính đến nay, Hà Nội đã gỡ phong tỏa 14 điểm.
Toàn địa bàn thành phố chỉ còn 4 điểm vẫn đang thực hiện phong tỏa. Dự kiến chậm nhất vào ngày 1/3 tới, nếu không có diễn biến mới, thành phố sẽ dỡ bỏ phong tỏa điểm phong tỏa cuối cùng.
14 điểm đã được dỡ phong tỏa, gồm có:
1. Số 58, ngõ 92 Nguyễn Khánh Toàn, tổ 8, phường Quan Hoa, Cầu Giấy.
2. Ngõ 84 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy.
3. Số 51/49, tổ 21, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy.
4. Chung cư Dreamland, 23 Duy Tân, phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm.
5. Số 106 An Trai, ngã tư Canh, Vân Canh, Hoài Đức.
6. Số 479 Phúc Diễn, tổ 1, phường Xuân Phương, Nam Từ Liêm.
7. Thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh.
8. Nhà máy Z153, tổ 11, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh.
9. Thôn Phan Xá, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh.
10. Chung cư N03, 25 Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng.
11. Chung cư T6, Times City, phường Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng.
12. Chung cư Sky City, 88 Láng Hạ, phường Láng Hạ, Đống Đa.
13. Chung cư Garden Hill, số 99 Trần Bình, phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm.
14. Đại học FPT.
4 điểm đang tiếp tục thực hiện phong tỏa, gồm có:
1. Thôn Do Hạ, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh.
2. Khách sạn Somerset West Point, số 2 Tây Hồ, phường Quảng An, Tây Hồ.
3. Tòa nhà Sun Red River Building 23 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm.
4. Số 14/4B Yên Thế, Điện Biên, Ba Đình.