UBND Thành phố Hà Nội vừa có báo cáo Thường trực Thành ủy kết quả phân tích Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022 của thành phố.
Năm 2022, điểm Chỉ số CCHC của Hà Nội đạt 89.58 điểm, tăng 7 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, (năm 2021 xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố) và tăng 1.04 điểm so với năm 2021 (năm 2021 đạt 88.54 điểm). Hà Nội nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có điểm Chỉ số cao và cao hơn so với giá trị trung bình của cả nước là 4.79% (giá trị trung bình của cả nước đạt 84.79%).
Các chỉ số thành phần CCHC của Thành phố được Bộ Nội vụ đánh giá khá toàn diện, trong đó 5/8 Chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2021 (Cải cách thể chế đạt 94.33%; Cải cách tổ chức bộ máy đạt 94.05%; Cải cách công vụ công chức đạt 87.72%;
Cải cách tài chính công đạt 91.34% và tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố đạt 88.63%); 3/8 nội dung giảm điểm so với năm 2021 (Công tác chỉ đạo điều hành CCHC đạt 89.58%, Cải cách thủ tục hành chính đạt 94.15% và Xây dựng và "phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số đạt 76.81%).
Chỉ số CCHC năm 2022 của Hà Nội đã có sự tăng cả về điểm số và xếp hạng so với năm 2021, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung, tiêu chí, tiêu chí thành phần thành phố chưa đạt điểm, chưa có sự cải thiện hoặc có cải thiện nhưng chưa đạt kết quả cao.
Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học của các đối tượng là đại biểu HĐND thành phố; Giám đốc, Phó Giám đốc; Trưởng phòng trực thuộc của sở, cơ quan ngang sở và lãnh đạo UBND cấp huyện đã có sự cải thiện (đạt 84.5%), nhưng vẫn cần thông tin tuyên truyền kết quả thực hiện công tác CCHC của thành phố; sự quyết liệt của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành để đạt kết quả cao hơn nữa.
UBND Thành phố cũng chỉ rõ một số tiêu chí chưa đạt theo yêu cầu như: Tiêu chí "Công khai TTHC và các quy định có liên quan” được 0.75/1.5 điểm (đạt 50%), Thành phố bị trừ điểm do chưa cập nhật đầy đủ, kịp thời TTHC và vẫn công khai, dẫn chiếu đến các quy định đã hết hiệu lực thi hành trên cổng dịch vụ công.
Tiêu chí “Kết quả giải quyết hồ sơ TTHC” cho tỷ lệ đúng và trước hẹn rất cao, toàn thành phố đạt 99.81%, trong đó cấp xã có tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đạt kết quả cao nhất, đạt 99.89%, cấp huyện đạt 99.88% và thấp nhất là cấp tỉnh đạt 99.68%. So sánh với năm 2021, tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ ở cả 3 cấp của thành phố đạt 4.99/5 điểm (đạt 99.8%). Như vậy, kết quả tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC năm 2022 chưa có sự cải thiện, vẫn giữ nguyên điểm số với năm 2021 (đạt 99.80%).
Lĩnh vực "Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” thành phố được 10.37/13.5 điểm, đạt 76.81% giảm 5.79% so với năm 2021 (năm 2021 được 12.39/15 điểm, đạt 82.6%), tuy nhiên cao hơn so với giá trị trung bình của cả nước 0.16% (cả nước đạt 76.65%), xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố thứ hạng đã có sự cải thiện vượt bậc so với năm 2021 (năm 2021 Hà Nội xếp thứ 58/63 tỉnh, thành phố).
Khoảng cách điểm số của Hà Nội với tỉnh cao nhất (Bắc Giang 89.89 điểm) cách nhau khá cao (13.08 điểm) và chỉ số này thành phố cũng đứng thứ 4/5 Thành phố trực thuộc Trung ương (đứng sau Đà Nẵng, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh). Đây là lĩnh vực năm thứ 3 liên tiếp có điểm chỉ số thấp nhất trong 8 nội dung thành phần của Chỉ số CCHC.
Trên cơ sở đó, để duy trì và cải thiện, nâng cao điểm chỉ số CCHC và khắc phục những chỉ số thành phần chưa đạt điểm, chưa được cải thiện, UBND TP yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp phải chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện về kết quả thực hiện CCHC của cơ quan đơn vị mình quản lý và các lĩnh vực CCHC tham mưu giúp UBND TP.
Đặc biệt, các đơn vị cần tập trung khắc phục đối với những nội dung thường xuyên bị trừ điểm qua các năm mà không có sự khắc phục, cải thiện (thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 4 năm gần đây đều bị trừ điểm; Tổ chức thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách...).
Tiếp tục thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC, cắt giảm thời gian, loại bỏ các chi phí không chính thức cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp; thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn; kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị về các quy định TTHC, đa dạng hình thức tiếp nhận phản ánh, kiến nghị; xử lý nghiêm các trường hợp giao tiếp, ứng xử thiếu chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức tại bộ phận tiếp công dân, trực tiếp giải quyết TTHC với công dân.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm tra CCHC theo hướng đột xuất, không báo trước; tái kiểm tra việc khắc phục các tồn tại đối với các đơn vị đã được kiểm tra. Xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, giao tiếp ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.